Có lẽ không nơi nào ở cả 2 miền Nam Bắc lại có được “đặc sản” lạ lùng có một không hai như miền Trung quê tôi. Đó là chiếc áo tơi của người nông dân mỗi khi đi thăm đồng bất kể nắng mưa. Bởi vậy khi nói đến dân Nghệ Tĩnh ngoài cụm từ đặc trưng “dân cá gỗ” là cụm từ “dân áo tơi”.
Không ai biết áo tơi nay bao nhiêu tuổi bởi vì chẳng ai rõ loại áo đặc biệt sinh ra từ thời điểm nào mà chỉ biết khi lớn lên áo tơi đã trở thành một thành viên gắn bó trong mọi gia đình. Khi chiếc áo tơi của mẹ đã rách, cha tôi cầm dao ra vườn chặt vài lá cọ (quê tôi gọi lá tro) đem ra phơi nắng vài ngày. Chỉ cần vài sợi mây dài và dẻo, một chiếc áo tơi đã nên hình hài nhờ bàn tay khéo léo của người đàn ông trụ cột trong gia đình.
Thời những vật dụng của người nông dân chủ yếu làm bằng tre nứa thì chiếc áo tơi là vật dụng phổ biến của người dân nghèo miền Trung mà nói chính xác hơn là người dân xứ Nghệ. Trong nhà có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu chiếc áo tơi giống như chiếc áo mưa hiện đại bây giờ. Miền Trung mưa bão nhiều, áo tơi là lá chắn bền vững để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Bà ngoại tôi vẫn thường ru cháu bằng câu hát: “Trời mưa thì mặc trời mưa/ Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi”. Áo tơi đã trở thành niềm tin vững chãi của người miền Trung trước thiên tai khắc nghiệt. Nếu tấm ni-lông mềm dễ bay theo gió thì chiếc áo tơi như một mái tranh di động để con người dám đội sấm chớp giữa lúc ngoài đồng mưa to gió lớn. Đi học về, nhìn đồng ruộng lúa xanh, chúng tôi không quên được hình ảnh người nông dân lúi húi cấy lúa, cào cỏ trên mình khoác chiếc áo tơi giản dị, hiền lành. Lũ trẻ chúng tôi khi gặp giông gió thì chui tọt vào chiếc áo tơi như con rùa thụt cổ vào cái mai cứng. Bên ngoài trời mưa lạnh nhưng bên trong vẫn ấm vô cùng. Hơi ấm của đồng quê mà chiếc áo tơi đem lại như bàn tay mẹ sửa ấm lòng con. Quê tôi nhiều giáo sư, tiến sĩ đi ra từ chiếc áo tơi. Họ biết ơn chiếc áo đã theo suốt quãng đời học sinh mang theo khoai sắn đến trường kiếm chữ.
Miền Trung gió Lào bỏng cát, chiếc áo tơi lại là người bạn che bớt cơn nắng gắt khi mẹ cha đi làm đồng. Đúng như bài hát quen thuộc của nhạc sĩ An Thuyên: “Cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng/ Dù trời đổ nắng chang chang vẫn quàng”. Thời bom đạn, áo tơi trải thành mảnh chiếu để làm mâm cơm ngày sơ tán của cả gia đình tôi. Ở thao trường, áo tơi thành chiếu chăn đắp ấm cho các anh tôi trực chiến bên mâm pháo của dân quân. Cùng với chiếc rựa đi phát rẫy phát nương, có thể coi chiếc áo tơi là vật bất ly thân của người dân xứ Nghệ nhọc nhằn. Chưa bao giờ áo tơi từ bỏ người dân quê và cũng chưa bao giờ người nông dân xa rời mảnh áo tơi từng gắn bó cả cuộc đời mình. Những bó chè lâu ngày vẫn còn xanh tươi là nhờ có chiếc áo tơi mà bàn tay bà tôi gói kín bên ngoài. Áo tơi còn làm nên duyên thầm cô thôn nữ: “Có duyên dù bận áo tơi/ Đầu đội nón cời duyên vẫn hoàn duyên”. Dù đâu đó vẫn còn coi là hạ đẳng, nhưng trong mắt người dân quê tôi, áo tơi vẫn được xem là bảo chứng của tinh thần lao động cần cù, nét đẹp nét duyên của người lao động chân lấm tay bùn.
Mỗi lần đi qua Hà Tĩnh, nhìn xuống đường xuống ruộng hành khách trên xe đều reo lên: “Áo tơi, áo tơi kìa” coi như một đặc sản quý hiếm của vùng đất này. Đối với tôi là người con sinh ra ở đây, vẫn thầm cảm ơn chiếc áo được chằm bằng thứ lá quê nhà mộc mạc, bình dị như tấm lòng thơm thảo của người miền Trung. Bởi thế, mỗi lần về thăm quê, nhìn chiếc áo tơi lặng lẽ treo trên vách cửa lại như thấy dáng mẹ, dáng cha năm nào đang còn đó trong niềm thương nỗi nhớ dâng trào. Khi đi xa nỗi nhớ áo tơi cũng chính là nỗi nhớ lung linh về miền Trung yêu dấu.
|
Bình luận (0)