Ấp ‘4 không’

05/08/2014 09:15 GMT+7

Hơn 3 năm qua, người dân ấp Vĩnh Phát (xã Vĩnh Lộc, H.An Phú, An Giang) phải sống trong cảnh không có điện, đường, trường học và nước sạch sinh hoạt.

Ấp ‘4 không’
Người dân ở Vĩnh Phát phải sống trong những căn nhà “cao cẳng” tránh lũ…

Ý định không thành

Ấp Vĩnh Phát được thành lập 3 năm trước với diện tích đất sản xuất trên 360 ha, tỷ lệ hộ dân có đất sản xuất chiếm 80%, còn 37 hộ nghèo và 29 hộ cận nghèo. Người dân trong ấp đa phần là từ các nơi khác đến lập nghiệp, trong đó quê quán ở Phnôm Pênh (Campuchia) chiếm khoảng 30%. Ông Lê Văn Hạ (quê  ở xã Phú Thuận, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) về lập nghiệp từ năm 1983, cho biết Vĩnh Phát (bên bờ Tây kênh Năm Xã) là vùng kinh tế mới của H.Tân Châu cũ (nay là TX.Tân Châu, An Giang) nên cư dân tứ xứ đổ về đây. “Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng ấp Phú Yên (xã Phú Lộc, H.Tân Châu cũ), rồi khi tách thành ấp mới Vĩnh Phát thuộc xã Vĩnh Lộc, tôi tiếp tục được phân công làm Phó ấp hơn 3 năm nay”, ông Hạ nói.

Những năm triển khai chương trình nạo vét kênh Năm Xã và xây dựng tuyến dân cư vượt lũ bên bờ Đông, ý định của các ngành, các cấp của H.Tân Châu (cũ) và tỉnh An Giang là sẽ di dời toàn bộ dân cư bên bờ Tây qua ở trên bờ Đông. “Nào ngờ, đùng một cái có quyết định tách ấp, mà lại giao về xã Vĩnh Lộc cho nên mọi kế hoạch đều bị dở dang và ấp Vĩnh Phát chưa được đầu tư gì mới”, ông Hạ thở dài.

Hiện tuyến giao thông chính ở Vĩnh Phát dài khoảng 5 km chưa được nâng cấp, người dân muốn về UBND xã Vĩnh Lộc phải đi trên con đường dọc theo kênh giáp xã Vĩnh Hậu và kênh nhánh vắt ngang giữa đồng trống Vĩnh Lộc. Vào mùa mưa, nước ngập thì phải đi vòng lên kênh Bảy Xã mới đến được UBND xã Vĩnh Lộc với quãng đường xa hơn gấp đôi. Khó khăn nhất chính là việc học của con em địa phương vì trường học cũ trước đây đã giải thể và gom qua xã Phú Lộc theo yêu cầu phát triển quy mô số lượng nên phụ huynh phải đưa con em bằng xuồng sang kênh 2 buổi mỗi ngày.

Ấp ‘4 không’
… và đi trên những con đường đất - Ảnh: Anh Phan

Quê nghèo gặp khó

Mùa nắng khô ráo, người dân ở Vĩnh Phát tương đối dễ thở nhưng đến mùa mưa, nước lũ tràn đồng thì mọi việc trở nên vô cùng khó khăn. “Nếu có ở vùng biên giới thì mới hiểu tình cảnh của bà con nơi đây. Khổ lắm, hổng có lơ mơ được đâu, nào đường sá, nhà cửa, con nít... đủ thứ phải lo”, bà Trần Thị Hậu (ngụ tổ 1) băn khoăn. Năm nào lũ nhỏ thì nước cũng tràn đường, còn trung bình ngập sâu khoảng 1 - 1,5 m nên nhà ở của cư dân Vĩnh Phát đều phải cất trên cọc cao khoảng 2 m để vượt lũ. “Đã vậy lại không có điện thắp sáng. Người nào có tiền thì kéo điện nhờ ngang kênh Năm Xã về xài, chịu trả tiền giá cao. Ai không có khả năng thì chịu thắp đèn dầu, sang hơn thì xài bình ắc quy”, chị Nguyễn Thị Hường (ngụ tổ 5) than vãn.

Sự thiếu thốn làm cho cảnh sinh hoạt tại Vĩnh Phát vắng lặng, nhất là những ngày mưa quang cảnh càng hiu hắt. “Buồn lắm, trai tráng đều đi lên Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân nhà máy, xí nghiệp. Những người ở nhà là do có ruộng nương hoặc cơ sở mần ăn, nếu không chắc cũng bỏ đi”, anh Nguyễn Thành Phát (ngụ tổ 1) nói. Ông Lê Văn Hạ cho biết tới đây, Nhà máy nước Vĩnh Phát hoạt động, bà con trong ấp sẽ có nước sạch để xài; điểm trường học cũ cũng khôi phục để dạy chữ cho trẻ em địa phương. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn bây giờ Vĩnh Phát vẫn là ấp “4 không”.

Anh Phan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.