Áp dụng án lệ khi tình huống pháp lý không giống nhau ?

19/11/2020 09:03 GMT+7

17 năm, tranh chấp được giải quyết thông qua 2 bản án: sơ thẩm, phúc thẩm và một quyết định giám đốc thẩm.

Vụ án tưởng chừng dừng lại nhưng bất ngờ TAND tối cao lại có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM.
Hiện nguyên đơn đang khiếu nại về tính khách quan, công bằng của quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND tối cao lên Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bị mù, vẫn ký nhượng đất ?

Theo diễn biến vụ kiện, năm 2003, nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Chơn (89 tuổi) khởi kiện bị đơn là bà Đỗ Thị Liễu, đòi lại quyền sử dụng đất hơn 2.000 m2 tại P.An Phú Đông, Q.12, TP.HCM.
Tại tòa, các bên đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp thuộc một phần thửa đất 10.400 m2 do cụ cố Lê Công Nhu đứng tên. Trước khi mất, cụ Nhu chia đều cho 3 người con: Lê Thị Đắc, Lê Công Hoán và Lê Thị Đến. Trong đó, phần đất của cụ Đến được để lại cho 3 người con là ông Nguyễn Văn Chơn, bà Huỳnh Thị Gái và ông Huỳnh Văn Mẫm.
Theo trình bày của ông Chơn, năm 1975, vợ chồng bà Đỗ Thị Liễu đến mượn lô đất của anh em ông canh tác. Ông Chơn đồng ý với điều kiện khi nào em ông là Huỳnh Văn Mẫm đi cải tạo về thì trả lại. Tuy nhiên, năm 1982, khi ông Mẫm trở về, cùng ông Chơn đến nhà bà Liễu đòi đất thì chồng bà Liễu đưa ra tờ nhượng đất canh tác vĩnh viễn đề ngày 6.11.1975, do ông Chơn ký bán.
Không đồng ý, ông Chơn khởi kiện đòi lại đất, vì cho rằng vợ chồng bà Liễu lợi dụng sự mù lòa của ông để làm giấy mua bán giả mạo, hợp thức hóa phần đất tranh chấp.

Chiếm hữu không ngay tình,
phải trả lại tài sản

Tiến sĩ Lê Minh Hùng (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM) cho biết theo điều 236 bộ luật Dân sự năm 2015, người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
Vì vậy, theo tiến sĩ Lê Minh Hùng, nếu dựa vào thời hiệu để xác lập quyền sở hữu thì cần xác định giao dịch các bên là có thật nhưng thiếu về hình thức hoặc giao dịch vô hiệu nhưng chiếm hữu, sử dụng ngay tình. Còn trường hợp xác lập quyền sở hữu bằng hình thức không hợp pháp, không ngay tình, lợi dụng sự tử tế, lòng tốt của chủ đất thì pháp luật không nên bảo vệ và nhà nước cần trả lại đất cho chủ sở hữu khi họ đòi lại đất, bất kể bên chiếm hữu không ngay tình sử dụng ổn định, lâu dài.
Năm 2018, TAND Q.12 (TP.HCM) xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chơn, vì việc sang nhượng giữa các bên không phù hợp với quy định pháp luật. Tòa này nhận định nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Lê Công Nhu để lại. Xét tờ sang nhượng đất ngày 6.11.1975 liên quan đến phần đất của 3 anh em ông Chơn, theo HĐXX, mẹ ông Chơn để lại phần đất cho 3 anh em ông Chơn, nhưng năm 1975 một mình ông Chơn ký bán cho chồng bà Liễu mà không có sự đồng ý của 2 người còn lại.
Mặt khác, về năng lực của chủ thể ký tờ chuyển nhượng đất, HĐXX nhận định căn cứ thẻ căn cước năm 1969 do chính quyền Sài Gòn cấp cho ông Chơn xác định 2 mắt ông đã bị hư, vì vậy ông Chơn là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và theo bộ luật Dân sự thì khi giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

Tòa tối cao vận dụng án lệ có phù hợp ?

Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm, TAND TP.HCM sửa toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa này nhận định vợ chồng bà Liễu sinh sống và canh tác ổn định trên phần đất đang tranh chấp từ năm 1976 đến nay, có đăng ký đất đai theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và được cấp giấy chứng nhận năm 1998, từ đó bác yêu cầu khởi kiện của ông Chơn.
Bản án phúc thẩm sau đó bị Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tháng 11.2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm, chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm và y án sơ thẩm của TAND Q.12.
Theo đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM nhận định cấp phúc thẩm không xem xét toàn diện đối với giao dịch dân sự làm phát sinh tranh chấp giữa các bên là tờ nhượng đất vĩnh viễn ngày 6.11.1975, mà chỉ căn cứ vào quá trình quản lý, sử dụng đất tranh chấp khi có tờ nhượng đất vĩnh viễn là không đánh giá toàn diện các chứng cứ khách quan của vụ án.
Tưởng vụ án đã kết thúc, bất ngờ ngày 21.10.2020, TAND tối cao tiếp tục có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (do ông Nguyễn Văn Du, Phó chánh án TAND tối cao, ký), đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM và giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM.
Kháng nghị của TAND tối cao đã vận dụng tinh thần án lệ số 33/2020 của HĐTP TAND tối cao thông qua ngày 5.2.2020, rằng cá nhân được nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất; trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì thì tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, phía nguyên đơn cho rằng đất của gia đình ông có nguồn gốc do ông bà để lại, bị chồng bà Liễu chiếm hữu không ngay tình, bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt. Vì vậy, việc TAND tối cao kháng nghị, áp dụng án lệ 33/2020 đề nghị y án phúc thẩm là không đúng, đồng thời tình huống pháp lý trong án lệ số 33 hoàn toàn không giống với trường hợp các bên đang tranh chấp mà bị TAND tối cao kháng nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.