Áp giá sàn vé máy bay: Hàng không chia '2 phe' quan điểm

24/09/2021 17:56 GMT+7

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT lý giải thêm về đề xuất áp giá sàn vé máy bay. Đề xuất này đang nhận nhiều phản đối từ dư luận và các chuyên gia.

Áp sàn, vé máy bay chỉ bằng vé xe khách, tàu hoả?

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đề xuất áp giá sàn vé máy bay chỉ là giải pháp mang tính tình huống, chỉ áp dụng trong thời gian ngắn và được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và nhà nước.
Dù vậy, theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc áp giá sàn cũng tồn tại các bất cập. Cụ thể, chi phí và dịch vụ cung ứng của các hãng hàng không không cùng một mặt bằng gây khó khăn cho việc xác định mức giá tối thiểu áp dụng chung cho tất cả các hãng hàng không.
Về cơ sở áp giá sàn, ông Thắng cho biết, được tính toán dựa trên so sánh tỷ lệ mức giá tối thiểu/mức giá tối đa với các quốc gia đã hoặc đang thực hiện quy định mức giá tối thiểu đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.
Theo đó, mức giá đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam thấp hơn, chỉ bằng 20% giá tối đa. Trong khi đó, Indonesia đang áp mức giá tối thiểu bằng 35% mức tối đa, Ấn Độ từng áp mức 33 - 35%, Trung Quốc từng áp mức 44%.
Tuy nhiên, việc so sánh này chỉ mang tính chất tương đối do Cục Hàng không Việt Nam không có dữ liệu về phương pháp xây dựng khung giá của các quốc gia khác.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng so sánh mức giá tối thiểu đề xuất với chi phí bình quân/ghế cung ứng chặng Hà Nội - TP.HCM năm 2019. Các hãng hàng không đưa ra nhiều dải giá tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau...
Mức chi phí bình quân của các hãng hàng không là hơn 1,5 triệu đồng, bằng khoảng 47% so với mức giá tối đa quy định hiện hành. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức tối thiểu đề xuất bằng khoảng 43% chi phí bình quân của hãng hàng không là phù hợp.
Đáng chú ý, với mức giá tối thiểu trên, sau khi cộng thêm thuế VAT và các khoản thu hộ (giá phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách, hành lý), chi phí tối thiểu hành khách phải chi trả cho 1 vé 1 chiều chặng Hà Nội - TP.HCM là 824.000 đồng, xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt (ghế ngồi mềm điều hòa) và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Các hãng hàng không chia 2 nhóm

Theo báo cáo, liên quan đến giá sàn, phía các hãng hàng không hiện chia làm 2 nhóm. Trong đó, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways thuộc “nhóm đánh giá tác động tích cực”.
Cụ thể, 3 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.
Trường hợp được áp dụng mức giá tối thiểu, doanh thu của Vietnam Airlines theo tính toán năm 2019 có thể tăng thêm 20 tỉ đồng, năm 2020 tăng thêm 390 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2021 tăng thêm 270 tỉ đồng. Tương tự, doanh thu của Pacific Airlines trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng thêm 338 tỉ đồng.
Bamboo Airways thì cho rằng mức giá tối thiểu hợp lý sẽ là công cụ điều tiết tốt cho hãng, tác động tích cực đến doanh thu đường bay trên cơ sở vẫn đảm bảo sức mua của thị trường.
“Nhóm đánh giá tác động tiêu cực” gồm có Vietravel Airlines và Vietjet. Theo đó, 2 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tốt thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.
Cụ thể, Vietravel Airlines cho rằng áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu.
Trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19, việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách.
Vietjet thì cho rằng, chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không.
Chính sách này cũng không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch Covid-19 kết thúc.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, khung giá đề xuất đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, các hãng hàng không và Nhà nước.
Trong đó, các hãng hàng không vẫn được thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam nói chung, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines (hãng hàng không quốc gia).
Phía người tiêu dùng vẫn có cơ hội tiếp cận các mức giá phù hợp. Những người dân có thu nhập hạn chế có thể lựa chọn các phương tiện khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.