Để trả lời cho câu hỏi trọng tâm hiện nay là lọc ngành hay giảm phát thải, ông Trần Du Lịch cho rằng: "Chúng ta chỉ có một con đường là kinh tế xanh nhưng vấn đề trọng tâm hiện nay là giảm phát thải. Đặt vấn đề lọc ngành hay giảm phát thải rất thực tế bởi do thiếu cơ chế chính sách cho mục tiêu hướng đến kinh tế xanh nên thấy ngành nào cũng loại ra hết là không được".
Với kinh nghiệm 30 năm làm chính sách, ông Trần Du Lịch đúc kết, muốn DN làm gì thì Nhà nước phải ban hành chính sách, hệ thống pháp luật. DN thấy chính sách đó có lợi thì họ làm, còn nếu chính sách rủi ro, không có lợi thì không ai làm. Thế thì hiện nay cái gì thiếu nhất? Theo ông Trần Du Lịch, qua diễn đàn với chủ đề kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn hướng đến Net Zero vừa qua cho thấy, Việt Nam đi rất sớm về chủ trương kinh tế xanh, rất nhiều chương trình hành động. Thế nhưng lại thiếu chính sách. Tất cả những đề án về kinh tế xanh phải được luật hóa để tạo khuôn khổ, định hướng.
Dẫn chứng một vấn đề đang được quan tâm, đó là các nước châu Âu, Mỹ rất mạnh về chứng chỉ carbon, thị trường mua bán chứng chỉ này hoạt động rất sôi động. Chứng chỉ carbon có giá rất đắt bởi các DN công nghiệp đều nhận quota về chứng chỉ này, nếu xài không hết thì bán cho DN khác, nếu thiếu thì mua mà như vậy DN tăng giá thành sản phẩm, không cạnh tranh được. Do đó, DN phải đổi mới công nghệ, nếu không sẽ âm mà càng lâu thì âm còn lớn hơn cả chi phí tài chính. Theo đề án của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam dự kiến từ năm 2025 hình thành thị trường carbon và năm 2028 vận hành thị trường này. Đây là điểm cần phải làm sớm nhưng vấn đề quan trọng nhất là cấp quota như thế nào.
Vấn đề thứ 2, theo ông Trần Du Lịch, hiện nay phát thải chiếm tỷ trọng lớn nhất lại là ngành năng lượng, sau đó là nông nghiệp, rồi mới tới ngành công nghiệp. Nhưng bù lại, Việt Nam có tiềm lực rất lớn chứng chỉ carbon do rừng tạo ra. Hiện Việt Nam có dự trữ 50 - 70 triệu tấn chứng chỉ carbon rừng. Một chứng chỉ tương đương 1 tấn quy đổi CO2 tạo ra. Đây là nguồn tài nguyên mà Nhà nước đang sở hữu. Cái này mà được tận dụng thì đó là phần trao đổi quốc tế, tạo nguồn lực để phát triển. Cái gì ảnh hưởng đến rừng đều là điều tối kỵ vì là nguồn chứng chỉ carbon cực kỳ lớn.
Trên tinh thần như vậy, TP.HCM nhận thức rất rõ về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn nên đang triển khai các vấn đề lớn. Thứ nhất, đó là tập trung kinh tế xanh gắn với phát triển đô thị xanh. Thứ 2, phát thải rất lớn đối với thành phố này, nhất là giao thông nên cơ cấu lại giao thông, kể cả giảm xe máy… làm sao giảm phát thải nhà kính. Thứ 3, hiện nay ưu tiên chuyển đổi 17 khu công nghệ - khu chế xuất công nghệ đã lạc hậu, chọn 5 khu làm thí điểm. Đối với vấn đề năng lượng, tập trung giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị giá trị gia tăng. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam chưa cần tăng năng lượng nhưng nếu tiết kiệm được 30% thì tự nó tăng thêm nguồn cung cấp mà không tăng phát thải nhà kính. Thành phố tập trung cái này để đổi mới công nghệ.
Đối với vấn đề điện mái nhà. Chương trình điện 8 đã làm nhưng để tăng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời thì bắt buộc phải có pin dự trữ, nếu không chúng ta mất cân đối ngay khi biến đổi khí hậu, thời tiết. Cái này phải có lộ trình chứ không thể làm nhanh được. Ngoài ra, thành phố cũng xử lý nhanh về rác, điện sinh khối. Đặc biệt Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM có cơ chế trao đổi về chứng chỉ carbon, xác định tỷ lệ đóng góp tỷ lệ khí thải và cho phép đầu tư ngân sách, sử dụng để trao đổi. Hiện nay TP đang chờ Chính phủ ban hành nghị định, hướng dẫn của các bộ. Hy vọng khi có hành lang pháp lý sẽ xây dựng thị trường carbon vào năm 2025 như đề án của Chính phủ.
"Đối với TP.HCM, không con đường nào khác là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh, hay gói gọn nhất của thành phố là kinh tế xanh, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Đây là hai vấn đề sống còn của TP.HCM. Thành phố hiện nay đang theo đuổi cái này, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để triển khai trong các lĩnh vực của thành phố trong tương lai", ông Trần Du Lịch cho hay.
Bình luận (0)