Lãi phạt lên tới 18%/năm
Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) báo cáo lũy kế 9 tháng, doanh thu hợp nhất của VNA giảm 57% còn 32.411 tỉ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 10.676 tỉ đồng. Dù tính riêng quý 3, hoạt động tài chính, doanh thu giảm từ hơn 299 tỉ đồng xuống còn 132 tỉ đồng nhưng chi phí tài chính của hãng bay này lên tới 357 tỉ đồng; trong đó, chi phí lãi vay chiếm gần 199 tỉ đồng. Tình cảnh bi đát này khiến Vietnam Airlines phải đi vay mới gần 18.794 tỉ đồng để có dòng tiền duy trì hoạt động trong những tháng doanh thu lao dốc và lợi nhuận âm vì đại dịch Covid-19.
Một “ông lớn” nhà nước khác là Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc), quý 3 năm nay chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) và chi phí tài chính tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019 (từ 247,6 tỉ đồng lên 285,6 tỉ đồng) khiến lỗ từ hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc tăng 92%, ở mức âm 384,6 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2020, Đạm Hà Bắc ghi nhận hơn 2.000 tỉ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng giai đoạn năm 2019, nhưng do DN bán thấp hơn giá vốn nên phải hạch toán khoản lỗ gộp hơn 239 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính tiếp tục tăng, chủ yếu do tăng chi phí lãi vay đã khiến Đạm Hà Bắc lỗ ròng gần 1.077,2 tỉ đồng sau 9 tháng, cao hơn 2 lần khoản lỗ trong cùng giai đoạn năm 2019. Như vậy, lỗ lũy kế của DN đã lên mức hơn 4.300 tỉ đồng tính tới 30.9.2020. Lý do, chi phí tài chính chiếm tỷ lệ 30% tính trên tổng doanh thu của DN do lãi vay tại Ngân hàng Phát triển (VDB) rất cao - bình quân lãi suất trong hạn là 10,78%, có khoản vay chịu lãi phạt 18%.
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) báo lỗ ròng hơn 187 tỉ đồng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng chi phí tài chính hơn 701 tỉ đồng, chi phí lãi vay 703 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 701 tỉ đồng. Ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc HAG, giải trình nguyên nhân lỗ chủ yếu do giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn tới lỗ gộp trong quý 3/2020. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng DN vẫn còn khá cao.
Đối với lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình báo cáo tài chính quý 3/2020 ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trong quý 3 đạt 2.634 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước. Công ty chỉ đạt 59 tỉ đồng lãi trước thuế, giảm 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình đạt 8.045 tỉ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 107 tỉ đồng, giảm 67%. Kết quả trên một phần nhờ chi phí lãi vay giảm nhẹ 4,5% còn 81 tỉ đồng trong quý 3. Tuy nhiên, tại thời điểm 30.9, Hòa Bình có 4.728 tỉ đồng vay ngắn hạn và 159 tỉ đồng vay dài hạn. Với khoản dư nợ vay ngân hàng quá lớn, lợi nhuận của tập đoàn này gần như không thấm gì so với chi phí lãi vay.
Cần giảm lãi vay trung, dài hạn mạnh hơn
Điểm sáng hiếm hoi mùa báo cáo này là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỉ phú Trần Đình Long. Trong quý 3/2020, tập đoàn thép số 1 VN ghi nhận doanh thu khoảng 24.900 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.785 tỉ đồng, tăng trưởng 111% và là mức cao nhất từ trước đến nay của Hòa Phát. Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt doanh thu khoảng 65.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 8.845 tỉ đồng, lần lượt tăng 40% và 56% so với cùng kỳ 2019.
Kết quả trên thậm chí sẽ còn tăng nếu nợ ngân hàng của Hòa Phát không quá lớn. Bảng cân đối tài chính chỉ rõ, nợ phải trả của Hòa Phát tăng xấp xỉ 8.500 tỉ đồng so với đầu năm, ghi nhận gần 62.500 tỉ đồng vào cuối quý 3. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn lần lượt khoảng 24.000 tỉ đồng và 21.250 tỉ đồng, tổng cộng trên 2 tỉ USD và chiếm 72% tổng nợ phải trả. Ngày đầu năm nay, nợ vay của Hòa Phát là khoảng 36.700 tỉ đồng, chiếm 68% tổng nợ. Khối nợ phải trả tăng lên kéo theo chi phí trả lãi cho các chủ nợ cũng lên theo. Trong quý, Hòa Phát thanh toán 541 tỉ đồng tiền lãi vay, gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng năm nay, chi phí lãi vay là 1.545 tỉ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ và gấp 1,6 lần cả năm ngoái.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, cho biết lãi suất cho vay Việt Nam đã giảm nhưng thực tế vẫn còn cao. Thống kê thấp hơn các nước trong khu vực là lãi vay ngắn hạn dành cho các lĩnh vực ưu tiên, điều đó chưa phản ánh hết bức tranh chung. Hiện đa phần các DN cần nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh còn ngắn hạn chỉ phục vụ chủ yếu thanh khoản. Do đó, điều mà Ngân hàng Nhà nước cần làm trong thời gian tới là phải tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn để hỗ trợ DN trong nước, giảm chi phí lãi vay, giảm giá thành sản phẩm tăng sức cạnh tranh với các DN trong khu vực và trên thế giới.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính đến tháng 7.2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%, trong khi Việt Nam cao hơn là 7,2%/năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.
|
Bình luận (0)