Lạm phát đã 'tới' mâm cơm của mỗi gia đình

09/03/2022 06:44 GMT+7

Giá dầu thế giới đang tiến đến mức cao nhất mọi thời đại, giá xăng trong nước có thể chạm mốc 30.000 đồng/lít, cao nhất từ trước tới nay; chưa kể hàng loạt nguyên vật liệu nhập khẩu sử dụng trong sản xuất, nuôi trồng trong nước đang ở mức đỉnh... đe dọa mục tiêu lạm phát năm nay.

Nỗi lo giá cả tăng đè nặng lên vai người dân

Khả Hòa

Mặt bằng giá mới đã được thiết lập

Những ngày qua, thị trường nhiên liệu thế giới biến động mạnh với dầu thô vọt lên gần 140 USD/thùng. Viễn cảnh dầu thô vượt đỉnh năm 2008 lên 150 USD/thùng là không xa. Theo đó, giá xăng trong nước được dự báo sẽ chạm mốc 30.000 đồng/lít. Giá dầu thế giới tăng, kéo theo nhiều mặt hàng VN đang phụ thuộc nhập khẩu đều tăng như nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu phân bón, sắt thép, khí đốt hóa lỏng…

Bộ NN-PTNT dự báo giá thức ăn chăn nuôi và phân bón tiếp tục tăng trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt. Thực ra từ giữa tháng 2, một loạt doanh nghiệp (DN) thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh tăng giá bán từ 200 - 300 đồng/kg. Chi phí đầu vào đang bóp chẹt người nông dân nuôi trồng. Ngay cả khi bán giá cao hơn trước, họ vẫn không có lời.

Giá xăng đánh thẳng vào túi tiền tài xế: Grab thông báo tăng giá cước

Các đơn vị logistics cũng báo giá vận tải trong nước đã tăng mạnh. Đại diện Công ty giao nhận vận tải T.A.M cho biết giá cước xe container đã được các công ty vận tải báo tăng 10% từ cuối tháng 2, tính chung trong vòng 3 tháng qua, cước xe container đã tăng 20%. “Giá dịch vụ vận tải tăng, giá hàng hóa nhập tăng, giá hàng bán trong nước không thể không tăng. Đơn cử, suất ăn trưa chúng tôi chi trả cho nhân viên mua cơm văn phòng từ 40.000 đồng/phần trong tết, nay lên 48.000 đồng/phần, tăng 20%”, vị này lắc đầu. Bên cạnh một số nhà xe chạy tuyến cố định đã kê khai tăng khoảng 20% giá vé, các DN vận tải hàng hóa, xe hợp đồng cũng đã bắt đầu có sự thỏa thuận giữa nhà xe và khách hàng để điều chỉnh tăng giá cước, bình quân từ 15 - 20%.

“Giá cả theo Tổng cục Thống kê chỉ mới phản ánh 60% thực tế, quyền số chỉ gồm 500 mặt hàng thiết yếu, còn cuộc sống nói chung của chúng ta có hàng nghìn mặt hàng. Điều này lý giải nguyên nhân giá cả thị trường tăng ầm ầm nhưng chỉ số CPI chỉ tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%”.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú

Giá đầu vào tăng, giá hàng hóa trong nước cũng tăng. Từ đầu tháng 3, Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo tăng giá heo hơi 1.000 đồng/kg. Đại diện chuỗi siêu thị Lotte Mart cho hay DN đang tận dụng nguồn hàng dự trữ để kìm giá bán càng lâu càng tốt bởi các nhà cung cấp đã thông báo tăng giá bán. Một chủ lò bánh mì trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng cho biết ổ bánh mì có thể tăng 500 đồng/ổ trong vài ngày tới.

Rõ ràng thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, cao hơn rất nhiều so với giá cũ.

Hàng quán Sài Gòn đồng loạt dán giá mới: ‘leo’ theo giá xăng

“Rổ” CPI khác rổ đi chợ của người dân

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng nếu nhìn vào các chỉ số ở tầm vĩ mô, VN đang kiểm soát khá tốt lạm phát. Dự trữ ngoại hối, cân đối giữa nguồn hàng và dòng tiền, hàng hóa vẫn được cung ứng đầy đủ, không bị gián đoạn. Ngân hàng Nhà nước vẫn làm chủ được dòng tiền, thực hiện tốt việc cung ứng tiền mặt... “Đây là lý do vì sao có thể khẳng định cho đến thời điểm này, VN vẫn đang khống chế được lạm phát”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông Dũng, có rất nhiều yếu tố đang đẩy lạm phát lên mức rủi ro cao. Cụ thể giá xăng chưa dứt đà tăng, trong khi xung đột giữa Nga và Ukraine chưa biết bao giờ mới kết thúc, dẫn đến việc rất khó để dự báo các yếu tố giá cả trên thế giới sẽ thay đổi thế nào. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại trong dân cũng bắt đầu đẩy nguy cơ lạm phát tăng cao. Nhiều người tìm cách để trốn khỏi những rủi ro của đồng tiền. Giá vàng tăng phi mã mấy ngày nay là một trong những biểu hiện rõ nét của yếu tố tâm lý.

“Nếu nhà nước có thể duy trì kiểm soát thì yếu tố tâm lý cũng sẽ sớm qua. Song nếu để phát sinh lạm phát lúc này sẽ rất nguy hiểm. DN không thể có cơ hội làm ăn, đà hồi phục của nền kinh tế VN sau đại dịch sẽ bị kéo giảm. Hàng triệu người sẽ tìm cách bảo toàn tài sản của mình, làm cho vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, đây là thời điểm hết sức nhạy cảm, cần có các chính sách kịp thời, phù hợp, tỉnh táo để tiếp tục kiểm soát lạm phát”, ông Dũng lưu ý.

Lý giải vì sao giá cả hàng hóa thị trường đồng loạt “lên đồng” theo giá xăng nhưng chỉ số CPI vẫn ghi nhận mức tăng rất thấp trong 2 tháng đầu năm, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), phân tích: “Rổ” hàng hóa để tính CPI của Tổng cục Thống kê gồm vài trăm mặt hàng dịch vụ, dựa trên những thống kê thông tin từ cấp cơ sở. Chỉ số CPI tăng 2 - 3% vì đó là tính trung bình theo trọng số của hàng trăm mặt hàng trong “rổ” hàng hóa và mức tăng như vậy thể hiện lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, dưới mức 4% theo đúng mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cảm nhận thực tế cuộc sống lại là câu chuyện khác.

“Người dân đi chợ hằng ngày không cần biết “rổ” hàng hóa của Tổng cục Thống kê gồm những gì, họ chỉ biết rau, thịt, cá... tăng “chóng mặt” và mức tăng chắc chắn không dừng ở 2 - 3% như CPI được công bố. Giá cả hàng hóa tăng trong khi thu nhập giảm, tỷ lệ không nhỏ người lao động chưa có hoặc chưa quay lại làm việc, cộng thêm những bất ổn do dịch bệnh và biến động của địa chính trị thế giới chắc chắn sẽ tác động lớn đến kỳ vọng lạm phát của người dân”, ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, các chỉ số như chứng khoán, bất động sản, giá vàng… cũng đồng loạt tăng rất nhiều nhưng lại không nằm trong “rổ” hàng hóa của CPI. Tuy vậy, đây lại là những mặt hàng có tác động lan tỏa, tác động chuyển sang các thị trường khác, làm tăng các nhu cầu khác, đẩy giá một số mặt hàng tăng dần.

Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Lạm phát đến từ cảm nhận tùy thuộc vào rổ hàng mà người tiêu dùng hay mua. Cảm nhận thì thường gắn với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống người dân. Vì thế, các nhà hoạch định chính sách cần thấy rõ rằng không phải hiện nay chỉ số giá cả hàng hóa trong tầm kiểm soát mà có thể an tâm. Về mặt chính sách phải tính tới những kỳ vọng của người dân để có những giải pháp kịp thời, ít nhất là có thể ổn định kinh tế vĩ mô, không để giá cả nhảy nhót quá mức”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.