15.000 tài khoản tham gia nhóm “Hội những người muốn tự tử”
Qua tìm hiểu trên Facebook, chúng tôi phát hiện một hội nhóm có tên “Hội những người muốn tự tử”, thu hút hơn 15.000 tài khoản tham gia. Trong nhóm, tài khoản Trần Nh. đăng tải câu hỏi: “Có ai biết cách nào mà tự tử không đau không chứ em áp lực quá. Áp lực việc học. Áp lực gia đình. Áp lực bạn bè”. Tài khoản khác đăng tải: “Tìm mua xyanua ở đâu được ạ? Sống một cuộc sống như người đã chết như thế này em không còn cảm giác gì nữa”.
Bạn trẻ nên mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng về những áp lực, khó khăn trong cuộc sống và không nên chịu đựng một mình |
SHUTTERSTOCK |
Cũng trong nhóm trên, tài khoản tên Nguyễn Tr. tự giới thiệu mình sinh năm 2004, đăng tải: “Thường ở cái tuổi này thì bạn bè xung quanh em đa số là tuổi ăn chơi, học hành. Nhưng ở cái tuổi 17 của em thì lại phải chịu quá nhiều tổn thương, mất mát, áp lực… từ gia đình. Em đã mất đi người thân quan trọng nhất đó chính là cha (khi em mới 4 tuổi), mẹ em phải vất vả làm lụng để nuôi em cùng một đứa em gái đến hôm nay. Nhưng được một thời gian mẹ em đã lấy cha dượng sống đến tận bây giờ và có thêm 3 em nữa. Tuổi thơ của em đã chứng kiến quá nhiều lần bạo lực gia đình. Từ đó, em rất tự ti với bạn bè về hoàn cảnh gia đình mình”.
Chưa dừng lại ở đó, tài khoản trên cũng chia sẻ thêm về lý do người này có ý định tự tử và quyết định vào nhóm trên để tâm sự: “Cha mẹ và họ hàng em bắt em phải lấy chồng, một người mà em chẳng có một chút tình cảm nào chỉ vì nhà người đó giàu. Chẳng một ai hỏi ý kiến của em, cho dù em có giải thích thế nào đi nữa”.
Tài khoản Duy Ng. chia sẻ: “Có bao giờ mọi người nghĩ bản thân là gánh nặng cho người khác chưa. Ban đêm lúc mà người khác đang ngủ ngon thì bản thân bán mạng kiếm tiền cho gia đình nhưng chưa bao giờ được công nhận. Lúc bị tai nạn gần chết thì bị chửi là thằng ăn hại. Hy sinh con đường đại học vì mẹ không muốn lo mà dành hết tiền để đứa em sau này đi du học, hỏi mẹ thì mẹ chửi là thằng khốn nạn ganh tị từng tí với em mình. Em chẳng hiểu cuộc sống em có ý nghĩa gì nữa”.
Mới đây, hai vụ việc đau lòng đã xảy ra khi học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp. Nam sinh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ Bình Định) đến TP.HCM nhập học hôm 12.2, mất tích sau đó tử vong và được kết luận do tự tử. Còn một nữ sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) nhảy từ lầu 3 tự tử vào ngày 21.2.
Cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tâm thần của bạn trẻ
Nhiều người nghĩ rằng những bạn trẻ ở tuổi ăn tuổi lớn thì chẳng có gì áp lực, thế nhưng thực tế họ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Thạc sĩ tâm lý Thái Đình Lãm, chuyên giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho học sinh - sinh viên, cho biết có những áp lực ảnh hưởng đến tâm lý của người trẻ như: áp lực học tập, thi cử, các mối quan hệ bạn bè, mâu thuẫn với gia đình, chuyện tình cảm…
Nhóm “Hội những người muốn tự tử” thu hút 15.000 tài khoản tham gia |
ảnh chụp màn hình |
“Những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng nếu cứ chất chứa, không có hướng giải tỏa, không ai để tâm sự, không trang bị đầy đủ kỹ năng để đối diện thì nó dần khiến các bạn trẻ rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và tiến triển thành bệnh trầm cảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những cái kết đau thương cho một số bạn trẻ muốn giải thoát chính mình”, thạc sĩ Lãm chia sẻ.
Anh Lãm cho rằng xã hội hiện nay cần quan tâm đặc biệt đến sức khỏe tâm thần của các bạn trẻ. Anh nói: “Trong độ tuổi mới lớn, các bạn trẻ mang tâm thế bỡ ngỡ, khó đón nhận khó khăn, suy nghĩ nhạy cảm và dễ có những hành động tiêu cực. Nếu người lớn không quan tâm đến cảm xúc, tâm lý của bạn trẻ thì sẽ khó nắm bắt, can thiệp và ngăn chặn hành động sai lệch tiêu cực”.
Thạc sĩ Lãm khuyên các bạn trẻ nên trang bị các kỹ năng về quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề để có thể đối diện và xử lý cảm xúc tiêu cực.
“Hãy mạnh dạn chia sẻ, tâm sự với những người mà mình tin tưởng, đừng chịu đựng một mình; đến các trung tâm tư vấn tâm lý uy tín nếu cảm thấy tinh thần, cảm xúc khó kiểm soát và ngày càng bất ổn; tập cách suy nghĩ và xây dựng cảm xúc tích cực hằng ngày; rèn luyện tính kiên nhẫn qua các trò chơi, công việc mà bạn yêu thích; khi cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi hãy nghỉ ngơi, thư giãn; hãy học cách đối diện với khó khăn thay vì trốn chạy”, thạc sĩ Lãm lưu ý.
Về phía gia đình, anh Lãm cho rằng cần cha mẹ quan tâm đến cảm xúc của con trẻ nhiều hơn; chú trọng đến những món ăn tinh thần như gặp nhau, trò chuyện thường xuyên, tạo cơ hội quan tâm các thành viên trong gia đình; hãy coi con như một người bạn; đừng đặt kỳ vọng quá lớn lên các bạn trẻ, vô tình nó sẽ trở thành áp lực đè nén suy nghĩ, cảm xúc của các bạn.
“Còn phía nhà trường cũng cần chú trọng hơn trong công tác quản lý cảm xúc của học sinh, áp dụng những hình thức giáo dục tích cực nhiều hơn; xây dựng phòng tư vấn tâm lý học đường thân thiện và sẵn sàng trợ giúp tâm lý các bạn trẻ; lồng ghép các giờ học về giáo dục cảm xúc xã hội, giờ học kỹ năng, các hoạt động ngoài giờ để các bạn trẻ có nhiều trải nghiệm thực tế hơn”, anh Thái Đình Lãm chia sẻ.
Bình luận (0)