Áp lực tăng giá điện

Giá than, khí, tỷ giá... gia tăng đang là những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất điện nhảy vọt trong năm nay. Bỏ ngỏ khả năng tăng giá điện...

Hàng tỉ USD trợ giá điện cho doanh nghiệp FDI
Từ năm 2011 - 2013, giá điện đều được gia tăng mỗi năm từ 1 - 2 lần. Sau khi mức giá bình quân được giữ ổn định trong năm 2014 thì sang năm 2015, giá điện tiếp tục tăng.
Tại buổi tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 mới diễn ra, Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết, chỉ riêng giá than cho ngành điện đã tăng thêm 7% từ 24.12.2016 sẽ làm chi phí đội lên hơn 4.692 tỉ đồng. Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện năm vừa qua của EVN và 9 tổng công ty đều cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên trong năm 2017, EVN sẽ gặp khó khăn vì sản xuất chỉ chiếm khoảng 43,5% nhu cầu, do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Bên cạnh đó, EVN dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỉ kWh... Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng các nguyên nhân đang gây áp lực lên giá điện.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN thừa nhận, áp lực tăng giá điện trong năm nay rất lớn. Bởi trong năm 2016, do mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Chính phủ không cho EVN tăng giá điện. Tuy nhiên bước sang năm 2017, biến động năng lượng như than, khí, dầu rất lớn nên sẽ làm giá thành sản xuất điện tại VN gia tăng. Trong khi đó, EVN cũng có nhiều dự án mới và mở rộng các nhà máy điện cần phải đầu tư. Vì vậy, việc tăng giá bán ra để có thêm nguồn thu, gia tăng thêm lợi nhuận góp phần đầu tư là cần thiết.
TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cũng cho rằng việc tăng giá điện của EVN là cần thiết vì giá bán điện đang thấp hơn so với giá thành. Điều này vô hình trung lại khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thoát khi phải bù lỗ cho EVN. Theo ước tính của TS Phúc, nếu tính đúng tính đủ thì giá sản xuất điện của EVN hiện nay có thể lên hơn 5.000 đồng/kWh (khoảng 25 cents/kWh). Trong khi đó, việc bán giá điện bình quân cho người dân gần 1.700 đồng/kWh nên nhà nước phải bù lỗ hằng năm cho EVN. Đáng nói, không những người dân được trợ giá mà đặc biệt, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động sản xuất lại được mua điện với giá thấp hơn, chỉ từ 900 - 1.400 đồng/kWh, theo giải thích của EVN là “hỗ trợ giá điện cho sản xuất công nghiệp”.
“Theo tính toán của chúng tôi, giá điện cho khối doanh nghiệp FDI chỉ tương đương 5 - 6 cents/kWh, bằng 18% giá sản xuất điện thực sự. Một năm khối sản xuất FDI tiêu thụ hết 40 tỉ kWh, thì số tiền mà EVN biếu không khối này rất lớn, lên khoảng 8,6 tỉ USD. Rõ ràng, việc tăng giá là cần thiết nhưng EVN phải công khai cách tính tiền điện hiện nay như thế nào để thể hiện sự minh bạch.
Từ đó người dân hiểu và sẽ chấp thuận việc tăng giá đó”, TS Nguyễn Bách Phúc nói.
TS - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng ngành điện muốn tăng giá điện cần phân tích rõ ràng giá tăng từ khâu nào. Giá thành điện bao gồm sản xuất, chuyển tải và phân phối. Trường hợp khâu sản xuất điện tăng lên thì phải có giải pháp cắt giảm tỷ lệ thất thoát chuyền dẫn, phân phối… chứ không thể bắt người dân phải chịu sự tăng giá này. Đó là chưa kể lấy ngân sách bù lỗ thì cũng là lấy tiền của dân. TS Bùi Trinh đề nghị: “Bảng giá điện hiện nay phân ra điện sinh hoạt và sản xuất. Đối với giá điện sản xuất, chúng ta phải xem lại cấu trúc ngành, lựa chọn doanh nghiệp nào lan tỏa nền kinh tế cao nhưng sử dụng năng lượng thấp thì ưu tiên, chứ doanh nghiệp nào cũng ưu tiên, kể cả các doanh nghiệp FDI thì ngân sách nào chịu nổi”. Ông Bùi Trinh dẫn chứng ngành thép sử dụng điện nhiều, lại gây ô nhiễm môi trường thì sao lại ưu đãi giá điện.
Một chuyên gia trong ngành công nghiệp cũng đưa ra nhận định, việc bao cấp tiền điện cho khối sản xuất còn hơn cho những người thu nhập thấp tại VN là một nghịch lý. Đáng kể trong những lĩnh vực tiêu hao nhiều điện năng như sắt thép, xi măng, giá điện tại VN quá thấp đã khiến các doanh nghiệp FDI tìm mọi cách vào mở nhà máy. Điều đó đồng nghĩa với việc ngoài những ưu đãi khác, VN còn lấy tiền từ dân để trợ cấp thêm cho những “người giàu” này.
Phải minh bạch cách tính giá
TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đưa ra dự báo giá điện có khả năng sẽ tăng trong năm 2017 khi các chi phí đầu vào của điện gia tăng. Thế nhưng để người dân đồng thuận, ngành điện cần công khai, minh bạch cách tính giá. Chuyên gia này cho rằng tỷ lệ tiêu hao trong ngành điện hiện vẫn còn quá cao, chuyển tải điện hao hụt hơn 15% nên ngành điện cần có giải pháp giảm bớt mức tiêu hao này để giá thành điện giảm. Ngoài ra, trong những năm tới, ngành điện vẫn còn phụ thuộc vào than, nhưng về lâu dài cần triển khai phát triển năng lượng khác như điện mặt trời, điện gió... cũng như xã hội hóa thị trường sản xuất điện.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: VN chưa có thị trường điện cạnh tranh nên EVN bán giá nào buộc khách hàng là toàn thể người dân phải chấp nhận giá đó. Tuy nhiên, để nói rằng giá thành đang gia tăng thì cần phải công khai toàn bộ chi phí sản xuất đồng thời có sự giám sát của một tổ chức độc lập để xem xét các chi phí đó là đúng, hợp lý chứ không phải do quản trị yếu kém. Hơn nữa, bản thân EVN là một tập đoàn lớn mà lại không có phân tích và dự báo được giá than hay việc tỷ giá tăng là còn yếu kém. “Theo nguyên tắc, khi quy mô sản xuất càng mở rộng thì chi phí sản xuất sẽ giảm. Hơn nữa, hiện nay bất kỳ hoạt động sản xuất nào cũng phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để làm giảm chi phí nhưng dường như EVN chưa thực hiện được việc đó. Như vậy chỉ cần một yếu tố đầu vào biến động là đơn vị này đã lặp lại điệp khúc phải tăng giá. Như vậy cần xem lại cách quản trị điều hành của mình”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế, nhấn mạnh: Việc tăng giá điện phải có lộ trình và lộ trình này phải được công khai, minh bạch các yếu tố cấu thành nên giá điện, chẳng hạn như tỷ lệ hiệu quả của ngành điện, hệ số thất thoát đường dây... Bởi giá điện tăng sẽ tác động lan tỏa đến các chỉ số kinh tế, giá thành hàng hóa dịch vụ tăng tác động đến chỉ số lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.