Áp lực với giá xăng dầu

21/02/2022 07:05 GMT+7

Giá xăng dầu trong nước tăng đang tạo áp lực lớn lên hoạt động sản xuất kinh doanh , thương mại của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho hay họ đang “ngồi trên lửa” trước đà tăng của giá nhiên liệu.

Giá xăng dầu cao nhất trong gần 1 thập niên

Dữ liệu từ Bộ Công thương đến ngày 17.2 cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng khá cao so với kỳ tính giá trước đó, ngày 11.2. Theo đó, giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 108,8 USD/thùng, chu kỳ trước là 101,8 USD/thùng, tăng đến 7 USD/thùng; xăng RON95 là 111,32 USD/thùng, kỳ trước là 104,13 USD/thùng, cũng tăng gần 7 USD/thùng. Như vậy, mức tăng của giá 2 mặt hàng xăng tại kỳ này có thể tăng so với kỳ điều hành trước lên đến 7 - 8%. Tương tự, giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17.2 cũng tăng mạnh, dầu diesel đã vượt mốc 110 USD/thùng.

Nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, thương mại… ảnh hưởng lớn bởi giá xăng dầu tăng

ngọc dương

Lãnh đạo một công ty đầu mối xăng dầu lớn tại thị trường phía nam chia sẻ, giá xăng dầu tại kỳ điều hành của liên bộ chiều nay (21.2) sẽ tiếp tục tăng khoảng 1.000 đồng/lít nếu giữ nguyên cách tính của kỳ vừa rồi. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng dầu trong nước có thể tăng ít hơn. Nhưng thực tế, quỹ bình ổn của nhiều doanh nghiệp (DN) đã âm, cơ quan điều hành khó chi sử dụng quỹ ở mức cao hơn. “Chưa bao giờ ngành kinh doanh xăng dầu đối diện áp lực nhiều về giá như lúc này”, vị này thừa nhận.

Cha con đẩy xe, đi bộ cả cây số vì cây xăng ở TP.HCM đóng cửa

Ngày 20.2, trên thị trường thế giới, giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đóng phiên cuối tuần cũng ở mức 91,61 USD/thùng. Trong nước, cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng các loại đang cao hơn 8.300 đồng/lít, dầu diesel cao hơn gần 7.000 đồng/lít. Hiện giá xăng dầu đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua, vượt đỉnh năm 2014. Tháng 2.2014, xăng E5 RON92 lên mức cao nhất 25.000 đồng/lít, hiện tại là 25.060 đồng/lít; xăng RON95 giá 25.510 đồng/lít, hiện tại là 25.920 đồng/lít.

Nếu tiếp tục được điều chỉnh tăng giá chiều nay (21.2) như dự báo, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước sẽ có lần tăng thứ 5 liên tiếp, là đợt tăng thứ 4 trong năm nay và ở mức cao nhất trong gần một thập niên trở về đây. Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã gây nên hiện tượng găm hàng ở nhiều cây xăng từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, kéo dài cho tới hiện tại. Ở nhiều địa phương, tình trạng cây xăng bán theo định mức mà không bán theo nhu cầu; cây xăng treo biển tạm ngưng... vẫn xuất hiện, gây bức xúc trong dư luận.

Chưa kịp “ngoi” lên đã bị “dìm” xuống

Xăng tăng, hàng loạt ngành sản xuất, phân phối như ngồi trên đống lửa. Bị tác động đầu tiên là vận tải. Theo kế hoạch, ngày 15.3 tới, Chính phủ đã chốt phương án mở cửa du lịch hoàn toàn. Đây là niềm vui lớn đối với DN vận tải. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, các DN vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch đã bị “kéo giật lại” vì mức tăng phi mã của giá xăng dầu.

Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, phí các loại liên quan giá xăng dầu của ngành công thương cần được Bộ Tài chính xem xét cân đối tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí cầu đường đi lại cho ngành vận tải trong thời gian này…

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế (ĐH Kinh tế quốc dân)

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết giai đoạn vừa qua, nếu các DN vận tải hàng hóa có thể bị ảnh hưởng giảm khoảng 20 - 30% lượng hàng, doanh thu thì khối vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch bị ảnh hưởng tới 70 - 80%. Các DN vận tải hành khách còn “hơn cả kiệt quệ” là từ ông Tính dùng khi nhận xét về ngành này. Sau ngày 1.10 năm ngoái, dù TP.HCM đã mạnh dạn mở cửa kinh tế, xã hội theo Nghị quyết 128, nhưng nhu cầu đi lại vẫn chưa sáng sủa hơn. Tại hai bến xe lớn nhất TP.HCM là bến xe miền Đông và bến xe miền Tây, lượng khách lèo tèo, luồng tuyến mở ít. Nhìn chung, hoạt động vận tải hành khách vẫn chưa thể khởi sắc, chỉ cố gắng cầm chừng ở mức 20 - 30% so với giai đoạn trước.

“Du lịch mở cửa từ giữa tháng 3 sẽ là liều ô xy cấp cứu cho các DN vận tải, đáng ra phải rất mừng. Khổ nỗi, giá xăng dầu liên tục tăng cao và lập đỉnh đã tạo lực cản kéo lại sự hồ hởi, phấn khởi của các DN, khiến việc mở cửa mất đi phần nào ý nghĩa”, sau tiếng thở dài, ông Tính thông báo chắc chắn tới đây, các DN vận tải sẽ điều chỉnh tăng giá cước. Nhưng muốn tăng cũng khó bởi thông thường, sau phiên điều chỉnh giá xăng dầu, ngành vận tải tăng giá cũng phải có độ trễ, từ 15 - 20 ngày sau mới có thể điều chỉnh giá theo.

Chưa kể mức độ tăng thường không tương ứng với tỷ lệ tăng của giá nhiên liệu. Cụ thể, chi phí xăng dầu chiếm từ 25 - 30 - 40% tùy loại phương tiện hàng hóa hay hành khách, tuyến cố định hay hợp đồng. Do đó, xăng tăng 10% thì giá cước chỉ tăng được khoảng 2,5 - 4%. Mức tăng ít, không thấm vào đâu để bù lại chi phí cho DN, nhưng theo đúng kinh tế thị trường, cứ giá tăng thì cầu ít lại. “Nói chung, hoạt động vận tải trong điều kiện dịch bệnh mới phục hồi còn đang chệch choạc, chưa ổn định, xăng tăng kiểu này như giáng thêm 1 cú, khiến DN khó mà vực dậy nổi”, ông Lê Trung Tính nhìn nhận.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, đánh giá không những tăng phi mã, thị trường xăng dầu đang khiến cả xã hội hoang mang khi liên tục xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, lộn xộn. “Ngay tại TP.HCM, có nhiều cây xăng chỉ giới hạn bán 30.000 - 50.000 đồng cho 1 khách, muốn đổ thêm cũng không được. Bản thân tôi đi xe ô tô cá nhân vào đổ xăng tại cây xăng gần nhà, muốn mua 1 triệu đồng nhưng nhân viên chỉ bán cho 500.000 đồng, khoán cho mỗi người chỉ được từng đó thôi”, ông Thanh bức xúc nói.

Cá nhân đã khó, DN càng khổ hơn. Theo vị này, sau khi mọi hoạt động kinh tế gần như đã được mở lại hoàn toàn, các đơn hàng bắt đầu quay trở lại, nhưng DN vận tải hàng hóa “chưa kịp ngoi lên đã lại bị dìm xuống mặt nước”. Với chênh lệch giá xăng tăng thêm khoảng 7.000 - 8.000 đồng/lít so với cùng kỳ năm ngoái, nhân lên với bình quân mỗi xe chạy 100 km mất 40 lít dầu, chi phí cho đội xe của DN bị đội lên rất lớn. Chưa kể, DN vận tải đang phải đối mặt với làn sóng thiếu hụt tài xế, nhân lực trầm trọng. Tài xế chở hàng container phải có bằng lái hạng FC nhưng trong 2 năm dịch bệnh, không có đơn vị tổ chức thi bằng lái. Bên cạnh đó, nhiều tài xế thất nghiệp về quê đã chuyển đổi nghề nghiệp. Người lao động có khi còn đòi hỏi tăng lương thêm 5 - 10%. Khó khăn bủa vây đang chực chờ “nuốt chửng” DN vận tải hàng hóa.

Nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, thương mại… ảnh hưởng lớn bởi giá xăng dầu tăng

Ngọc Thắng

Giảm thuế, phí cho hàng xăng dầu

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế (ĐH Kinh tế quốc dân), nhận định giá xăng dầu tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay đẩy nguy cơ lạm phát nhập khẩu càng tăng. Giá cước vận tải quốc tế, cước vận tải trong nước, nhiên liệu sử dụng trong sản xuất công nghiệp tăng làm tăng chi phí đầu vào của DN rất lớn. Quan trọng hơn, trong bối cảnh chúng ta bàn nhau và có chính sách giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ DN thì câu chuyện này cũng kém phần hấp dẫn khi giá nhiên liệu tăng. Giá đầu vào tăng thì nhiệt huyết sản xuất cũng “hao hụt” phần nào. Bên cạnh đó, các chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa, thu nhập thực tế của người dân đang bị ảnh hưởng theo.

“Giá xăng dầu tăng đang đẩy tổng cầu giảm, tăng chi phí sản xuất và cơ cấu nền kinh tế. Chưa nói đâu xa, chỉ một bữa ăn bình thường hiện đã tăng hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch. Phần cơm không tăng giá thì miếng thịt nhỏ hơn, ít đi. Một hộp cơm người lao động mua năm ngoái giá 25.000 đồng, nay đã “lặng lẽ” tăng lên 35.000 đồng/hộp. Nếu không nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, sẽ kéo theo làn sóng phản ứng dây chuyền tăng giá từ logistics đến sản xuất, giá thành hàng hóa, dẫn đến lạm phát. Lúc đó, toàn nền kinh tế bị ảnh hưởng ghê gớm. Hậu quả rất lớn mà đối tượng phải gánh chịu đầu tiên chính là người dân”, ông Lạng nhấn mạnh.

Giải pháp trước mắt theo chuyên gia này là cần khai thác quỹ bình ổn giá xăng dầu hiệu quả nhất có thể, chống đầu cơ xăng trước kỳ điều chỉnh thông qua vai trò quản lý của cơ quan quản lý thị trường. Cho đến lúc này, việc thanh tra của ngành công thương đối với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu về số liệu dự trữ, bán ra, nhập vào… chỉ giải quyết bề nổi của vấn đề găm hàng chờ giá tăng bán, nếu có. Thực tế, bài toán chúng ta cần giải là kiềm chế giá tăng, hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế. “Vấn đề của ngành công thương là có giải pháp thực tế để kìm đà tăng của giá xăng dầu, chưa bao giờ thị trường nhiên liệu cần sự ra tay quyết liệt và đột phá của ngành công thương bằng lúc này. Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, phí các loại liên quan giá xăng dầu của ngành công thương cần được Bộ Tài chính xem xét cân đối tham mưu cho Chính phủ để có giải pháp ngắn hạn. Bên cạnh đó, cần giảm chi phí cầu đường đi lại cho ngành vận tải trong thời gian này…”, ông Lạng đề xuất.

Ông Lê Trung Tính bổ sung ở tầm vĩ mô, Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần nhanh chóng rút quỹ bình ổn xăng dầu nhiều hơn nữa để bổ sung vào giá xăng dầu giúp hạ nhiệt, kéo khoảng cách không quá xa so với giá xăng dầu trước đây, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể hồi phục trở lại. Phí và thuế trong xăng dầu hiện chiếm tỷ lệ quá lớn. Giai đoạn cao điểm có khi chiếm tới 60% giá thành của 1 lít xăng/dầu, hiện nay đang xoay quanh tỷ lệ 42 - 45%/lít xăng dầu. Đề nghị trình Thủ tướng giảm xuống khoảng 25 - 30%.

Về lâu dài, theo các chuyên gia, tiết kiệm sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu là một trong những giải pháp căn cơ. Cần có giải pháp khuyến khích sử dụng nhiên liệu thay thế, thay vì cứ dùng dầu và xăng có sẵn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.