Áp sát Huy Gơ cách 3 hải lý

08/02/2018 09:16 GMT+7

Cuối tháng 1.2018, PV Thanh Niên theo tàu 996 của hải đội 411, Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân làm nhiệm vụ tại Trường Sa và đã có 3 ngày hoạt động trên vùng biển Huy Gơ - Sinh Tồn Đông.

Đá Huy Gơ nằm trong cụm đảo Sinh Tồn (H.Trường Sa, Khánh Hòa), hay còn gọi là đá Tư Nghĩa (tiếng Anh là Hughes Reef, phía Trung Quốc tự đặt tên là Dongmen Jiao - Đông Môn tiêu) là bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.
Cuối tháng 2.1988, phía Trung Quốc bất ngờ cho lực lượng hải quân đổ bộ chiếm đóng bãi Huy Gơ và dựng lên đó nhà tạm để chốt giữ, phòng thủ.
Đầu những năm 90, phía Trung Quốc xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo... 
Thiếu tá Vũ Đức Vinh, nguyên chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông (đảo do bộ đội lữ đoàn 146, Bộ tư lệnh vùng 4 hải quân chốt giữ, chỉ cách Huy Gơ 4 hải lý theo đường chim bay - PV) kể: Sáng 27.1.2014, đúng ngày 27 tháng Chạp, chỉ 4 ngày nữa là đến mồng 1 Tết âm lịch Giáp Ngọ, bộ đội đảo vừa khênh con heo trong chuồng ra, chuẩn bị mổ giết để gói bánh chưng, làm món ăn ngày Tết thì lệnh báo động cấp 1 được phát ra. Tất cả quăng hết xoong nồi, gạo bánh để vào vị trí chiến đấu. Ngay sau đó, bộ phận ra đa trên đảo báo cáo: "1 tốp tàu Trung Quốc bao gồm 1 mục tiêu chưa được nhận dạng, trên không có máy bay trinh sát, đang tiến vào khu vực đảo từ khoảng cách 20 hải lý".
2 "tàu cá" Trung Quốc chắn ngay cửa luồng vào trong bãi Ảnh: Mai Thanh Hải
Hệ thống ra đa đối hải - chống ngầm gồm các thiết bị bên trong 2 quả cầu xanh rằn ri, mới được lắp đặt ở khu vực căn cứ quân sự Ảnh: Mai Thanh Hải
Không biết "mục tiêu lạ" là gì, chỉ huy đảo hội ý nhanh và nhanh chóng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Lợn gà, gạo nước, lá gói bánh quăng đấy, ưu tiên số 1 là vũ khí và trang bị ngoài trận địa. Đội hình tàu Trung Quốc tiến vào mỗi lúc 1 gần, 5 hải lý, rồi 3 hải lý... và đột ngột chuyển hướng sang bãi cạn Huy Gơ mà Trung Quốc đã chiếm đóng từ năm 1988.
Lúc này “mục tiêu lạ” hiện nguyên hình là con tàu cuốc lượng giãn nước 10.000 tấn mang tên Thiên Kình xuống đào bới, bồi đắp Huy Gơ.
Từ ngày 28.1.2014, tàu Thiên Kình của Trung Quốc hoạt động suốt ngày đêm không nghỉ và phải 3 tháng sau mới hoàn tất việc bồi đắp, lấy mặt bằng cho các phương tiện cơ giới, công nhân xây dựng làm việc. 
Huy Gơ nhìn từ đảo Sinh Tồn Đông Ảnh: Mai Thanh Hải
"Bộ đội trên đảo vừa sẵn sàng chiến đấu vừa tổ chức đón Tết cổ truyền. Đêm giao thừa, Ban chỉ huy đảo đến từng vọng gác, từng trận địa chúc Tết anh em", thiếu tá Vũ Đức Vinh nhớ lại.
Đến thời điểm hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Huy Gơ đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 - 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30mm (7 nòng); tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76mm...
Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng đông - tây dài khoảng 80 - 100 m.
Phía bắc Huy Gơ Ảnh: Mai Thanh Hải
Những ngày cuối tháng 1.2018, PV Thanh Niên theo tàu 996 của hải đội 411, Bộ tư lệnh vùng 4 Hải quân làm nhiệm vụ tại Trường Sa và đã có 3 ngày hoạt động trên vùng biển Huy Gơ - Sinh Tồn Đông. 
Thời điểm cuối năm sóng to gió lớn, nên phía Trung Quốc đã rút các tàu trực là hộ vệ tên lửa, hải cảnh - hải giám về bờ hoặc các căn cứ trung tâm gần đó (Su Bi, Chữ Thập, Vành Khăn) chỉ để lại tàu cá giả dạng làm nhiệm vụ bảo vệ.
Các cán bộ hải quân cho biết: "Thường thì phía Trung Quốc rất quyết liệt xua đuổi, ngăn cản các tàu thuyền nước ngoài đi cách đảo 7 - 9 hải lý. Có thể do thời tiết xấu, họ không tìm cách chặn tàu 996 vào cách 4 hải lý". 
Tuy nhiên, trong thời gian tác nghiệp, chúng tôi ghi nhận 1 đoàn "tàu cá" của Trung Quốc neo quanh bảo vệ căn cứ trong bãi Huy Gơ. Khi đoàn này ngược lên phía Bắc, hướng lên phía bãi cạn Ba Đầu, 1 chiếc "tàu cá" đã lao thẳng về tàu Việt Nam như đe dọa không cho lại gần.
Một số hình ảnh về hoạt động của phía Trung Quốc, tại bãi Huy Gơ do PV Thanh Niên ghi lại:
Cột angten thu phát sóng 4G Ảnh: Mai Thanh Hải
2 rada đối hải - chống ngầm Ảnh: Mai Thanh Hải
Huy Gơ nhìn từ khoảng cách 3 hải lý Ảnh: Mai Thanh Hải
Tàu cá Trung Quốc neo ngoài cửa luồng vào bãi Ảnh: Mai Thanh Hải
Tàu cá Trung Quốc neo trước mặt phía bắc Ảnh: Mai Thanh Hải
Cận cảnh tháp chỉ huy bay Ảnh: Mai Thanh Hải
Cây cối mọc rất nhanh Ảnh: Mai Thanh Hải
Khoảng cách nhìn từ đảo Sinh Tồn Đông sang Huy Gơ là 4 hải lý Ảnh: Mai Thanh Hải
Bãi nghiêng đổ bộ (bên trái) phục vụ việc di chuyển lên xuống các phương tiện cơ giới, trang thiết bị máy móc... Ảnh: Mai Thanh Hải
Cây dương được mang ra chăm trồng rất cẩn thận nên giờ đã lên cao và đang dần che khuất cụm hỏa lực phía đông Ảnh: Mai Thanh Hải
Một phần bến cảng cập tàu thuyền trong bãi Huy Gơ Ảnh: Mai Thanh Hải
Mặt ngoài của tòa nhà trung tâm Ảnh: Mai Thanh Hải
Căn cứ Huy Gơ nhìn từ đảo Len Đao Ảnh: Mai Thanh Hải
Huy Gơ nhìn từ đảo Len Đao, nổi bật màu sơn trắng trên biển xanh Ảnh: Mai Thanh Hải
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.