Do vậy, các khu vực này sắp có đợt mưa lớn trên diện rộng, vùng ven biển từ Bắc bộ đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nơi mưa rất to, đề phòng tố lốc và gió giật mạnh. Đến gần cuối tuần mưa gió giảm dần sau khi áp thấp nhiệt đới tan dần.
Miền Bắc lũ lại chồng lên lũ, các tỉnh ở vùng núi phía bắc có khả năng xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất rất nguy hiểm.
Miền Trung có mưa trên hơn nửa diện tích khu vực do dải hội tụ nhiệt đới và rìa của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, mưa tập trung vào chiều tối và đêm nhưng chủ yếu là mưa nhỏ, mưa vừa, ban ngày có nắng nhẹ do trời khá nhiều mây, không xảy ra nắng nóng.
Vùng biển tây Thái Bình Dương và Biển Đông, sau cơn áp thấp nhiệt đới này, từ ngày 26 - 27.7 sẽ có một cơn bão vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào đông bắc Biển Đông. Bà con ngư dân chú ý theo dõi vì có thể diễn biến khá phức tạp.
Do tác động của các cơn áp thấp nhiệt đới làm cho gió mùa tây nam mạnh lên nên trong 7 ngày tới Tây nguyên và Nam bộ sáng hửng nắng, trưa chiều và tối có mưa nhiều nơi. Trong tuần sau có lúc mưa vừa, mưa to và những cơn gió mạnh trong cơn giông, đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy nguy hiểm.
Áp thấp nhiệt đới này sẽ còn gây mưa lớn trên thượng nguồn Mê Kông, góp phần làm cho nước lên nhanh ở vùng hạ lưu. Theo dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh cho đến cuối tháng 7, trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên xấp xỉ 3 m và trên sông Hậu tại Châu Đốc lên xấp xỉ 2,7 m (dưới BĐ1), sau đó lên chậm hơn.
Thời tiết mưa lũ ở miền Bắc tạo điều kiện gia tăng dịch bệnh, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, châu chấu tre là các đối tượng chính gây hại cho vụ lúa mùa sớm.
Miền Nam liên tục có mưa nên nhiều tỉnh ở ĐBSCL thu hoạch lúa xong cần chú ý bảo quản sau thu hoạch nhằm bảo đảm chất lượng. Trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá và cổ bông gia tăng mạnh, cần sử dụng thuốc đặc trị Beam 75WP (250 gr/ha) phun khi bệnh chớm xuất hiện, theo dõi rầy nâu trong những ngày tới gieo trồng lúa mùa nhằm né rầy, hạn chế bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.
Các vùng có hồ tiêu theo dõi để phát hiện sớm vi rút gây bệnh chết nhanh, chết chậm, phun thuốc trừ rệp sáp ở gốc và rễ.
Bình luận (0)