Theo trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, ATNĐ vừa xuất hiện trên Biển Đông có thể mạnh lên thành bão và có thể kết hợp với ATNĐ hình thành trước đó.
Cà Mau: Chuẩn bị cho tình huống nước biển có thể dâng cao 2,2 m
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Cà Mau, đến 5 giờ ngày 1.11, trên vùng biển Cà Mau đang còn 464 tàu thuyền với 2.644 người hoạt động trên biển.
Văn phòng đã liên lạc được 288 tàu, 1.587 người; vẫn còn 171 tàu, 1.057 người chưa liên lạc được. Đến sáng 1.11, có 3.387 tàu đã neo đậu an toàn tại các bến, bãi. Phần lớn các tàu đang hoạt động trên biển, chưa liên lạc được, nằm trong vùng tâm ATNĐ đi qua.
Theo dự báo, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn và vùng biển Cà Mau, nước biển có thể dâng cao từ 1,6 - 2,2m.
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương phải liên lạc tàu thuyền và hướng dẫn bà con vào bờ hoặc vào nơi neo đậu, trú ẩn an toàn. Đặc biệt, các địa phương ven biển phải đảm bảo hoạt động an toàn của các bến phà, bến đò ngang. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải cập nhật tình hình ATNĐ và các phương án ứng phó mỗi 4 giờ một lần về tỉnh, kể từ 8 giờ sáng ngày 1.11. Đồng thời nghiêm cấm các tàu ra khơi kể từ 18 giờ ngày 1.11.
Cách đây 20 năm, bão Linda đổ bộ vào tỉnh Cà Mau (ngày 2.11.1997) đã để lại những hậu quả nặng nề. Tỉnh Cà Mau cũng đã quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng vì bão Linda.
Kiên Giang: Còn gần 10 ngàn tàu thuyền đang đánh bắt ngoài khơi
Tại cuộc họp khẩn tổ chức sáng 1.11 ứng phó với ATNĐ, đại tá Bùi Minh Trí, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang cho biết: đơn vị đã kêu gọi được hơn 3.500 phương tiện với khoảng 18 ngàn lao động đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng ATNĐ vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện vẫn khoảng 6 ngàn phương tiện với hơn 30 ngàn lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm.
Tàu cá neo đậu trong cảng Tắc Cậu (Kiên Giang) sáng 1.11 Ảnh: Xuân Lam
|
Cũng theo đại tá Trí, hiện trên biển còn gần 10 ngàn tàu thuyền đang đánh bắt. "Những tàu thuyền này chúng tôi đã thông báo, định hướng, cảnh báo vùng nguy hiểm. Biên phòng đã triển khai tất cả các đơn vị thường xuyên ứng trực, sẵn sàng ứng phó, dừng các hoạt động của biên phòng lại để tập trung cho đợt ứng phó ATNĐ này”.
Ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết: “Chiều nay (2.11) sẽ cấm tàu thuyền ra khơi”.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Kiên Giang, yêu cầu các địa phương, nhất là các huyện ven biển, rà soát ngay lại các đê bao sản xuất để chủ động trong đối phó với triều cường, mưa lớn đề phòng ngập úng cho lúa đông xuân.
Bến Tre: Phòng ngừa trường hợp ATNĐ thành bão
Lực lượng phòng chống lụt bão tại các địa phương Bến Tre ra quân giúp dân chằng chống nhà cửa Ảnh: Bắc Bình
|
Trưa ngày 1.11, ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, Phó ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bến Tre, cho biết Bến Tre đã có công điện khẩn đến các sở ban ngành, địa phương, nhất là 3 huyện vùng biển Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, sẵn sàna ứng phó với ATNĐ.
Từ 7 giờ 30 ngày 1.11, Bộ đội biên phòng tại Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú đã cấm không cho tàu thuyền xuất bến
Theo Bộ bộ đội biên phòng tỉnh Bến Tre, đến trưa ngày 1.11, đã vận động được 1.427/3.900 tàu cá với 8.700 ngư dân hiện vào neo đậu tại bến an toàn. Hiện nay, ngư dân Bến Tre chủ yếu đánh bắt trên các ngư trường phía nam thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Lực lượng chức năng hiện đang tiếp tục khẩn trương liên hệ với các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để di chuyển khỏi ngư trường này theo tọa độ hướng về ngư trường Bà Rịa - Vũng Tàu, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tàu cá đang neo đậu tại Rạch Bà Hiền, xã An Thủy, H.Ba Tri, Bến Tre Ảnh: Bắc Bình
|
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bến Tre, cho biết đã phối hợp với các địa phương vận động, hướng dẫn người dân tuyệt đối không ở lại lồng bè, chòi canh từ sáng ngày 1.11. Toàn tỉnh Bến Tre có hơn 46.000 ha nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ven biển.
Bình luận (0)