Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác đang tiến vào Biển Đông, dự báo mạnh lên thành bão và gây mưa lớn tại Bắc bộ.
[VIDEO] Mưa lớn, nhiều tuyến đường ở Hà Tĩnh ngập sâu
|
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ cùng ngày, tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) mạnh lên từ vùng áp thấp trên vịnh Bắc bộ cách bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh 100 - 130 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40 - 50 km/giờ), giật cấp 8. Dự báo đến 16 giờ hôm nay (17.7), tâm ATNĐ ở khoảng 18,5 độ vĩ bắc và 105,6 độ kinh đông, di chuyển áp sát bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Hoàn lưu ATNĐ gây mưa lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Trị khiến khu vực này có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
|
Đường phố ngập sâu, Quốc lộ sạt lở
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của vùng áp thấp mạnh lên thành ATNĐ, từ tối 15.7 đến trưa 16.7, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường tại TP.Hà Tĩnh như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Nguyễn Công Trứ, Xô Viết Nghệ Tĩnh... ngập từ 15 - 50 cm, các phương tiện tham gia giao thông qua lại rất khó khăn, thậm chí bị chết máy. Trong đó, đường Nguyễn Du ngập sâu nhất, có đoạn ngập khoảng 70 cm.
Tại Thanh Hóa, những ngày qua hầu hết các địa phương trong tỉnh đều có mưa, lượng mưa trung bình phổ biến từ 100 - 150 mm, một số nơi cao đột biến như H.Hà Trung (191 mm), H.Triệu Sơn (183 mm), H.Tĩnh Gia (180 mm).
tin liên quan
Áp thấp nhiệt đới đang áp sát Thanh Hóa - Hà TĩnhTrong khi đó, sáng sớm 16.7, do mưa lớn kéo dài nên một khối lượng đất đá khá lớn từ trên núi đã đổ ập xuống QL7 (tuyến đường nối từ QL1A đến cửa khẩu Nậm Cắn) đoạn qua xã Bồng Khê (H.Con Cuông, Nghệ An) khiến giao thông tắc nghẽn. UBND H.Con Cuông huy động lực lượng và máy múc đến san ủi, giải phóng mặt đường. Đến 9 giờ cùng ngày, giao thông đã thông suốt trở lại. Tuy nhiên, mưa lớn tại các huyện miền núi Nghệ An đang đe dọa tuyến đường này khi nhiều điểm qua các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đang có nguy cơ bị sạt lở.
Đáng lo ngại, theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 16.7, trên vùng biển ngoài khơi Philippines xuất hiện một ATNĐ đang di chuyển nhanh về phía Biển Đông và dự báo trong đêm 17.7 sẽ đi vào vùng biển này, có khả năng mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Do ảnh hưởng của ATNĐ mạnh lên thành bão, từ ngày 18.7, các tỉnh Bắc bộ và khu vực vùng núi phía bắc bắt đầu có mưa lớn, nguy cơ cao gây ra sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía bắc và ngập úng ở vùng đô thị.
Rà soát các hồ đập
Chiều 16.7, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ năm nay.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh mùa mưa bão năm nay diễn biến rất phức tạp khi ngay từ đầu mùa đã làm 33 người chết và mất tích, thiệt hại 692 tỉ đồng. Hiện hồ thủy điện Sơn La đang phải duy trì mở 1 cửa xả đáy, hồ Hòa Bình mở 3 cửa xả đáy để tạo dung tích đón lũ, cắt lũ trong những đợt mưa tới. Ông Cường đề nghị các bộ, ngành liên quan lập các đoàn kiểm tra đánh giá toàn bộ hiện trạng công trình hồ đập thủy điện, thủy lợi ở vùng núi phía bắc, Bắc bộ, Trung bộ, không để xảy ra các tình huống mất an toàn.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý công tác ứng phó với ATNĐ và mưa lũ phải đặt yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng của người dân cả trên biển và đất liền, bảo vệ các công trình hạ tầng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Ở vùng núi, các bộ, ngành phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khi đây là những loại hình thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trong đầu mùa mưa lũ năm nay. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai chủ trì, cùng các địa phương kiểm tra toàn bộ các phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ đập; rà soát phương án phân lũ, cắt lũ và kiểm tra hệ thống đê điều, đặc biệt là những khu vực xung yếu...
Bình luận (0)