Lúc 19 giờ cùng ngày, tâm ATNĐ ở vào khoảng 12,7 độ vĩ bắc và 116,8 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 310 km về phía đông đông bắc. Vùng gần tâm ATNĐ, sức gió mạnh nhất ở cấp 6, tức là từ 40 - 50 km/giờ, giật cấp 8. Vùng biển có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 có bán kính khoảng 80 km tính từ tâm ATNĐ.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó gió bão, mưa lớn |
Huy Đạt |
Trong 24 - 48 giờ tiếp theo, ANTĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 7.10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,1 độ vĩ bắc; 110,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180 km về phía tây tây nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11.
Trung tâm cảnh báo, trong 24 - 48 giờ tới, vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông với gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên là từ vĩ tuyến 13,5 - 18,5 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 108,0 - 114,0 độ kinh đông. Theo đó, toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khoảng ngày 10 - 11.10, nước ta sẽ đón khối không khí lạnh cường độ mạnh và có khả năng tương tác trực tiếp với ATNĐ hoặc cơn bão này trên Biển Đông nên sẽ có những diễn biến rất phức tạp, gây mưa lớn ở các tỉnh Trung bộ.
Trong ngày 5.10, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận yêu cầu thường xuyên thông tin cảnh báo đến ngư dân; kêu gọi các phương tiện tránh xa vùng biển nguy hiểm trên Biển Đông. Các địa phương kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra khơi, các tàu vận tải vãng lai; rà soát hoạt động nuôi trồng thủy sản vùng ven biển cũng như sẵn sàng phương án cứu hộ cứu nạn. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó với gió bão, mưa lớn có thể gây ngập lụt ở vùng trũng và sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi.
Bình luận (0)