Chiều 17.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
"Covid-19 qua lâu rồi, chính sách của ta vẫn chưa trở về bình thường"
Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng đang chịu thuế suất 10% (xuống còn 8%). Thời gian áp dụng từ 1.7 - 31.12.
Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Trần Văn Lâm (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) nói: "Các lần trước tôi nhiệt tình, nhưng lần này thì tôi thấy rất băn khoăn".
Theo vị đại biểu, chính sách giảm thuế VAT thời gian qua lắt nhắt, ban đầu giảm 1 năm, rồi kéo dài 6 tháng, sau đó lại thêm 6 tháng, không theo kế hoạch hay dự báo dài hạn. Việc xây dựng chính sách giật cục như vậy sẽ gây khó khăn cho các đơn vị dự toán.
Ông Lâm lấy ví dụ, ở một số địa phương, đầu năm đã lên dự toán có khoản thu đó, nhưng do chính sách thay đổi dẫn tới giảm thu và bị hụt thu, phải kiếm nguồn khác để bù đắp vào. Như vậy là vỡ kế hoạch thu.
Ông Lâm cũng cho rằng, chính sách giảm thuế VAT phát sinh từ năm 2022, để xử lý tình huống khi ấy do đại dịch Covid-19 gây ra, đến nay kéo dài 2 lần. Theo ông, Covid-19 đã qua lâu rồi nhưng chính sách của chúng ta vẫn chưa trở về bình thường; năm 2022 khác thời điểm hiện tại, khó khăn với doanh nghiệp nếu có thì tính chất cũng đã thay đổi.
Một vấn đề nữa khiến vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, đó là hiệu quả của chính sách. Ông dẫn chứng, nếu giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm thì ngân sách hụt thu khoảng 24.000 tỉ đồng, cả năm hụt khoảng 48.000 tỉ đồng. Trong khi đó, tác động từ chính sách đối với tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang giảm dần.
"48.000 tỉ này ngân sách sẽ không thể chi được, không thể cung ra thị trường để kích cầu phát triển, để đầu tư. Tiền này là tiền thật, cầu thật so với dự tính giảm thu sẽ tăng cầu, nhưng có thấy tăng cầu đâu. Hiệu quả là không thực sự rõ ràng", ông Lâm phân tích.
Vị đại biểu nêu thêm, tổng mức huy động thuế, phí trên GDP hiện nay chỉ còn 13 - 14% so với 16 - 17% nhiệm kỳ trước, như vậy chính sách khoan thư sức dân đã rất rõ, đã giảm thu rất nhiều.
Ông cho rằng, việc tăng thu ngân sách tuy gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, nhưng đổi lại sẽ tăng nguồn lực chi, thúc đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế. Muốn tăng trưởng trong bối cảnh cầu đang giảm thì phải kích lĩnh vực khác, trong đó có đầu tư. Mà muốn đầu tư thì phải có tiền, không thể giảm thu quá mạnh.
Từ những căn cứ trên, ông Lâm đề nghị Chính phủ cần có giải trình đầy đủ, thấu tháo, thuyết phục. "Nếu năm sau mà vẫn kiến nghị giảm nữa tôi sẽ phản đối kịch liệt", ông cho hay.
Tăng thuế sẽ tăng giá thành sản phẩm, nông dân chịu thiệt?
Một nội dung khác nhận được nhiều quan tâm, đó là dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.
Đại biểu Trần Văn Lâm nhận định, việc thuế đầu vào đối với sản xuất nông nghiệp như đề xuất sẽ khiến tăng giá vật tư, máy móc, thiết bị, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Như vậy có đi ngược lại chủ trương ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân?
Theo ông, cơ quan soạn thảo có giải trình rằng, tăng thuế để doanh nghiệp sản xuất phân bón, vật tư máy móc được hoàn thuế đầu vào, từ đó giảm giá thành, giảm giá bán cho nông dân. Nhưng cách giải thích này không thuyết phục.
Ông Lâm nói, thực tế người dân mua các sản phẩm vật tư, máy móc hoàn toàn theo giá thị trường, không có chuyện doanh nghiệp giảm giá thành mà bán cho giá thấp. Thậm chí, giá trong nước mà thấp, họ "sẵn sàng xuất khẩu ra nước ngoài tối đa lợi nhuận".
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Tài chính có nêu riêng lĩnh vực phân bón sẽ tăng thu 6.200 tỉ đồng. Vậy, số tiền này thu từ đâu, nguồn nào tạo ra số tiền này? Ông Lâm cho rằng, số tiền 6.200 tỉ đồng doanh nghiệp sẽ không chịu gì cả, vì đã thu khi người nông dân mua sản phẩm máy móc, vật tư. Vì thế, bản chất số tiền này là từ nông dân.
"Mà nông dân của chúng ta toàn là các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, không có kế toán để khấu trừ đầu vào, đầu ra như doanh nghiệp. Toàn bộ phần này sẽ cộng vào giá thành sản phẩm nông sản, người nông dân và nông nghiệp sẽ bị thiệt", ông Lâm nêu.
Đồng quan điểm với ông Lâm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng), Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, đề nghị bỏ nội dung áp thuế suất 5% ra khỏi dự thảo. Ông Hồi bày tỏ lo ngại trước bối cảnh giá xăng, dầu ngày càng tăng, nay lại thêm thuế VAT cũng tăng, ngư dân sẽ càng khó khăn hơn.
Bình luận (0)