Dùng một app di động để kết nối chính quyền với người dân là xu thế bắt buộc và TP.HCM không thể đi khỏi quỹ đạo đó. Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số TP.HCM, khẳng định như vậy trong cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên nhân sự kiện app Công dân số TP.HCM chính thức ra mắt chiều nay (14.11).
Tương tác hai chiều
* Vì sao TP.HCM quyết định xây dựng một ứng dụng dùng chung kết nối chính quyền với người dân, thưa bà ?
- Bà Võ Thị Trung Trinh: Đây là xu thế chung của thế giới. TP.HCM đang hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình chính quyền số hiện đại, gần gũi và thiết thực, đem lại nhiều tiện ích cho người sử dụng. App Công dân số TP.HCM là kênh giao tiếp hai chiều giữa chính quyền và người dân bằng tương tác "một chạm" dễ dàng, thuận tiện.
* Bà có thể nói rõ hơn về tương tác hai chiều ?
- TP.HCM có hơn 13 triệu người, bao gồm cả khách vãng lai. Qua khảo sát, những thông tin người dân cần nhất là y tế, giáo dục, giao thông, môi trường, dịch vụ công. Chúng tôi cố gắng cung cấp những thông tin gần gũi nhất với đời sống hằng ngày của người dân.
Sau khi sử dụng dịch vụ công, người dân thấy những điều hài lòng hay điều cần góp ý thì phản hồi ngược lại để từng đơn vị cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ và theo dõi sát sao tiến độ xử lý của cơ quan chức năng.
Về phía chính quyền, app Công dân số là một kênh hiệu quả để ghi nhận, quản lý và xử lý các sự việc phát sinh trong cuộc sống căn cứ trên dữ liệu được cung cấp minh bạch. Chính quyền cũng có thể cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời các hoạt động; tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới ban hành; đăng tải các tin tức, thông báo, cảnh báo khẩn cấp…
* App Công dân số TP.HCM có gì đặc biệt, thưa bà ?
- Ứng dụng này được kết nối, xác thực với ứng dụng định danh điện tử VNeID và người dân đăng nhập chỉ một lần duy nhất để sử dụng. Với việc xác thực này, người dân sẽ có trách nhiệm hơn khi gửi thông tin góp ý đến cơ quan chính quyền, và chính quyền cũng có trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc xử lý những ý kiến đóng góp từ người dân. Các thông tin người dân phản ánh được xử lý theo quy chế của tổng đài 1022.
Với hồ sơ hành chính, người dân có thể tra cứu thủ tục, tra cứu hồ sơ hành chính và nắm bắt tình trạng giải quyết hồ sơ. Tính năng này tiếp tục được cập nhật để người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến. App Công dân số sẽ hiển thị thông báo mỗi khi có kết quả giải quyết phản ánh, giải quyết hồ sơ, hoặc có diễn tiến mới trong quá trình giải quyết; có thông báo "nóng" khẩn cấp từ cơ quan chức năng.
NGƯỜI DÂN ĐƯỢC THIẾT LẬP NHU CẦU RIÊNG
* Trải nghiệm người dùng sẽ quyết định đến thành công của một ứng dụng, TP.HCM đã chuẩn bị những gì để tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng?
- Trải nghiệm thực sự của người dân là yếu tố quan trọng. Khi làm, chúng tôi đã khảo sát, lấy ý kiến người dùng và hiện vẫn đón nhận góp ý để hoàn thiện. App lấy người dân làm trung tâm. Chúng tôi tự đặt câu hỏi nếu sinh sống ở TP.HCM thì một người cần những dịch vụ gì và đưa các tiện ích về y tế, giáo dục, giao thông, thông tin khuyến mại, du lịch lên trước còn hành chính công đưa về phía sau vì nhu cầu không thường xuyên.
App này sẽ có điều thú vị khi tích hợp được dữ liệu của Sở Du lịch. Du khách có thể trải nghiệm danh lam thắng cảnh bằng hình ảnh trình diễn 360 độ.
App cũng cho phép người dân tự thiết lập cấu hình theo nhu cầu, trong cái chung vẫn có cái riêng của mỗi người. Các nhu cầu tiện ích như khám bệnh ở đâu, con học ở đâu, có việc gọi công an thế nào, thực tế không phải ai cũng biết. Ở giai đoạn này, app tập trung cung cấp tiện ích sát sườn nhất của người dân, là tiền đề để phát triển xã hội số.
Đối với hồ sơ hành chính, mỗi tiến trình xử lý đều được thông báo về điện thoại, người dân thấy yên tâm hơn cũng là trải nghiệm tốt để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến.
* Hơn 2 năm trước, TP.HCM hợp nhất hơn 40 cổng dịch vụ công. Việc ra mắt app Công dân số lần này có phải là bước khởi động để tích hợp các app riêng lẻ thành "siêu" app ?
- Chính xác là như vậy. Bản chất app Công dân số là sử dụng dữ liệu, tiện ích của các ngành. Chúng tôi không chối bỏ các ứng dụng mà sở ngành, địa phương đang triển khai vì họ quản lý chuyên ngành và gần dân hơn. Tuy nhiên, app này sẽ tích hợp lại để nâng cao trải nghiệm người dùng, giải quyết được câu chuyện định danh cho các ứng dụng riêng lẻ.
Sắp tới, Trung tâm chuyển đổi số sẽ tích hợp ứng dụng của TP.Thủ Đức và Bình Chánh, ban đầu là sử dụng kỹ thuật liên kết sâu (deep link), tiến đến là tích hợp dữ liệu và tính năng để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Thực ra, lộ trình để người dân dùng 1 app thường mất nhiều năm. Vừa rồi trao đổi với Tổng lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM, họ cho hay chính phủ Singapore cũng mất nhiều năm mới làm được ứng dụng LifeSG. TP.HCM khi xây dựng app cũng trao đổi với chuyên gia của Singapore, nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng giống như việc hợp nhất hơn 40 cổng dịch vụ công, thời gian đầu vẫn còn trục trặc nhưng đến nay đã ổn định hơn.
* App này đã được TP.HCM ấp ủ từ lâu, vì sao bây giờ mới ra mắt, thưa bà ?
- Từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, lãnh đạo TP.HCM đã đặt hàng cần có một công cụ kết nối người dân với chính quyền trong những tình huống bất ngờ. Giữa năm 2022, Sở TT-TT khởi động dự án này. Tuy nhiên, để app vận hành trơn tru, đa trải nghiệm thì cần phải hoàn thiện dữ liệu, đặc biệt là tận dụng được cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.
App Công dân số hoàn thiện nhờ dữ liệu của các sở ngành tạo lập suốt thời gian qua. Nếu không có dữ liệu, hình ảnh của Sở Du lịch cung cấp, app sẽ không có thông tin về các điểm du lịch. Tương tự, nếu không có dữ liệu từ ngành giáo dục thì cũng sẽ khó cung cấp chính xác thông tin trường lớp. Đến nay, app Công dân số đã tích hợp nhiều lớp dữ liệu từ Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở Xây dựng, Sở Du lịch, Sở GTVT, Sở QH-KT, Sở TN-MT, Sở TT-TT và sẽ tiếp tục tích hợp dữ liệu từ các đơn vị khác.
Một ứng dụng mới ra mắt sẽ có ý kiến nhiều chiều, chúng tôi mong người dân tiếp tục góp ý trên tinh thần xây dựng để trung tâm tiếp tục hoàn thiện, mang lại trải nghiệm tốt nhất. Trong tương lai, trung tâm cũng tính toán bổ sung tính năng sử dụng cho những người khiếm thị để đây thực sự là ứng dụng cho tất cả người dân TP.HCM.
* Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)