App giao thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc sắp tung robot giao hàng

02/03/2019 11:12 GMT+7

Trong tương lai gần, người dân Seoul, thủ đô Hàn Quốc, sẽ có thể đặt món mì jajangmyeon, thuốc cảm hoặc tạp chí trên ứng dụng điện thoại, rồi được robot giao hàng đến tận nhà trong nửa tiếng.

Theo Bloomberg, Kim Bong-jin, nhà sáng lập ứng dụng giao thực phẩm lớn nhất xứ Hàn, cho rằng thiết bị tự động, nhỏ ngang kích thước máy làm mát có thể giúp dịch vụ giao nhận Baedal Minjok của ông có ưu thế hơn so với các hãng mới tham gia thị trường. Mục tiêu của việc dùng robot là để cắt giảm chi phí, tai nạn liên quan đến việc giao hàng và xoay xở trước tình trạng thiếu lao động tại một trong các nước có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới.
Những con robot Dilly của ông sẽ khởi động giao hàng trong vòng ba năm nữa. Woowa Brothers, hãng đứng sau ứng dụng Baedal Minjok, huy động được 320 triệu USD từ Hillhouse Capital, Sequoia Capital và GIC trong tháng 12.2018 để phát triển nguyên mẫu robot sắp ra mắt cuối năm nay. Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn khai thác thị trường robot dịch vụ toàn cầu, dự kiến tăng gấp ba lần lên mức 29,8 tỉ USD vào năm 2023, theo hãng MarketsandMarkets Research Private.
Nguyên mẫu robot Dilly Ảnh: Woowa Brothers
“Chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có thể kiếm tiền, vì vậy chúng tôi muốn nắm bắt ngay thời điểm để dầu tư mạnh mẽ hơn. Chúng tôi phải thay đổi và thử nghiệm mọi lúc”, ông Kim chia sẻ.
Với định giá 3.000 tỉ won, tương đương khoảng 2,7 tỉ USD, startup của ông Kim xử lý khoảng 28 triệu đơn hàng mỗi tháng. Nhận giao hàng tại quốc gia 51 triệu dân không phải chuyện dễ dàng. Trước hết, robot Dilly phải có khả năng tự điều hướng trong môi trường đô thị bị chi phối bởi nhiều tòa nhà cao tầng. Kim tìm ra giải pháp cho việc này bằng cách hợp tác với một nhà sản xuất địa phương, cho phép thang máy “trò chuyện” với robot.
Kim Bong-jin Ảnh: Woowa Brothers
Mục đích cuối cùng của ông Kim là lấy lòng khách hàng tiềm năng như Lee Dong-woo, người đặt hàng thực phẩm giao tại nhà ít nhất một lần mỗi tuần. Ông Lee đặt mọi thứ từ gà rán, bánh gạo cho đến thịt bò sống. “Tôi không phiền nếu robot xử lý đơn hàng của tôi. Thực tế, tôi thích nó hơn vì tôi không phải đối phó với những người giao hàng khó chịu”, nhân viên văn phòng 39 tuổi này cho hay.
Kim đã và đang tuyển dụng đội ngũ kỹ sư robot và làm việc với Bear Robotics ở bang California (Mỹ). Hãng Mỹ hiện phát triển nhiều thiết bị giao thực phẩm đến bàn ăn cho thực khách tại nhà hàng. Kim cho rằng robot Dilly của ông cuối cùng còn có thể xử lý nhiều tác vụ đơn giản, chẳng hạn như giao bữa trưa làm tại nhà và đổ rác.
Ý tưởng mới chỉ ở bước đầu song sếp Baedal Minjok đã gặp một số phản ứng tiêu cực. Không ít người ái ngại chuyện robot tự đi lại trong khu vực họ sống với lý do nó sẽ khiến trẻ em sợ hãi và khiến bất động sản của họ bớt hấp dẫn. “Một số hộ dân vẫn thích con người hơn vì họ không quen dùng máy móc để thanh toán và sử dụng các dịch vụ khác”, Jin Se-taek, người đại diện cho hiệp hội gồm 1.100 hộ dân tại khu chung cư ở Seongnam, miền nam Seoul cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.