Apple lo ngại mức lợi nhuận của các dòng sản phẩm mới

07/11/2024 15:55 GMT+7

Báo cáo tài chính mới nhất của Apple cho thấy sự lo ngại về khả năng lợi nhuận từ các sản phẩm khác của hãng trong tương lai, có thể giảm so với iPhone.

Sản phẩm mới của Apple gặp khó trong việc duy trì lợi nhuận cao

Apple vừa đưa ra cảnh báo rằng các sản phẩm mới của hãng trong tương lai có thể không duy trì được mức lợi nhuận cao như dòng iPhone hiện tại. Thông tin này xuất hiện trong báo cáo thường niên gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), nêu rõ rằng lợi nhuận từ các sản phẩm mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết bị thực tế tăng cường, có thể giảm sút, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của công ty.

Trong phần “rủi ro kinh doanh” của báo cáo, Apple nhấn mạnh các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ mới có thể thay thế hoặc bổ sung cho các sản phẩm hiện tại, nhưng không đảm bảo mang lại mức doanh thu và lợi nhuận cao như trước. Apple cảnh báo sự thay đổi này có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh và tài chính của hãng. Cạnh tranh khốc liệt và sự thay đổi không ngừng của thị trường công nghệ buộc công ty phải luôn đổi mới để duy trì sức hấp dẫn với người tiêu dùng, tuy nhiên Apple cũng thừa nhận những sản phẩm mới chưa chắc sẽ đáp ứng được kỳ vọng về lợi nhuận.

Apple lo ngại mức lợi nhuận của các dòng sản phẩm mới- Ảnh 1.

Apple đa dạng hóa doanh thu với dịch vụ và thiết bị đeo, trong khi iPhone vẫn giữ vai trò chủ lực nhưng đà tăng trưởng đang chậm lại

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH MACRUMORS

Trong nỗ lực mở rộng sang các lĩnh vực mới như AI và thực tế tăng cường, Apple đã ra mắt kính thực tế tăng cường Vision Pro với giá 3.499 USD, đánh dấu bước đi đầu tiên của hãng vào lĩnh vực “điện toán không gian”. Tuy nhiên, sản phẩm này gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút người dùng, một phần do mức giá cao và chỉ mới có mặt tại một số thị trường nhất định. Cùng lúc, Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ lớn như MetaGoogle, những công ty đã có mặt trên thị trường thiết bị thực tế ảo và tăng cường.

Apple cũng cho biết căng thẳng địa chính trị toàn cầu là một yếu tố rủi ro đáng kể, khác với các báo cáo trước đây. Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với các quy định chặt chẽ tại Liên minh châu Âu, có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của hãng. Châu Âu đã gây áp lực buộc Apple mở rộng lựa chọn cho các nhà phát triển ứng dụng ngoài App Store, nhằm tạo ra thị trường cạnh tranh hơn, điều này có thể làm giảm ưu thế của Apple trong hệ sinh thái phân phối ứng dụng hiện tại.

Áp lực từ dịch vụ và phần cứng khi Apple mở rộng thị trường

Một trong những nguồn thu quan trọng của Apple đến từ các dịch vụ và các khoản chi trả của Google để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị Apple. Hiện tại, Google đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền, điều có thể khiến hãng này phải thay đổi cách hợp tác với Apple. Nếu Google bị buộc chia tách và không còn thực hiện các khoản chi trả cho Apple, doanh thu từ mảng dịch vụ của Apple sẽ chịu tác động lớn. Mảng dịch vụ của Apple đóng góp gần 70% vào tỷ suất lợi nhuận, cho thấy tầm quan trọng của nguồn thu này trong việc duy trì lợi nhuận cao.

Bên cạnh những lo ngại từ sản phẩm mới, nhiều chuyên gia cũng dự báo lợi nhuận của Apple sẽ tiếp tục tăng nhờ hệ sinh thái khép kín và các dịch vụ bổ trợ. Tuy vậy, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng các sản phẩm mới chưa chắc đạt tỷ suất lợi nhuận cao như iPhone. Gene Munster, nhà phân tích tại Deepwater Asset Management, cho rằng khi Apple đầu tư vào các lĩnh vực mới như AI và thực tế tăng cường, khả năng duy trì mức lợi nhuận như trước sẽ là thách thức lớn, nhất là khi sản phẩm mới chưa thực sự hấp dẫn người dùng đại chúng.

Apple hiện có gần một tỷ lượt đăng ký sử dụng các dịch vụ trong hệ sinh thái của mình và vẫn duy trì tỷ suất lợi nhuận cao trên 40%. Tuy nhiên, những cảnh báo mới nhất cho thấy Apple đang chuẩn bị tinh thần cho các nhà đầu tư về khả năng biến động tài chính, khi công ty chuyển hướng mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ mới đầy rủi ro.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.