Theo Neowin, khi nói đến các tập đoàn đa quốc gia và việc đóng thuế, mọi thứ có thể trở nên khá khó hiểu cho người bình thường. Apple không phải là một cái tên lạ cho những tranh cãi xung quanh cách thức mà công ty lợi dụng chính sách thuế tại nhiều quốc gia nhỏ để tránh phải nộp các khoản thuế lớn. Vì vậy, hồ sơ Paradise thực sự đáng quan tâm.
Dữ liệu cho thấy, Apple đã cố gắng tìm những con đường khác nhau nhằm đảm bảo lợi nhuận trên thị trường nước ngoài, chiếm khoảng 55% tổng thu nhập của hãng vào năm 2017. Apple chủ yếu lợi dụng lỗ hổng chính sách thuế của Ireland. Ngay cả khi Apple thanh toán mọi khoản thuế thu nhập như lời của CEO Tim Cook thì số tiền thuế mà công ty đóng chỉ ở mức trung bình so với thế giới.
Hồ sơ Paradise chỉ ra, Apple đã tìm hiểu kỹ luật thuế và quy định tài chính của các quốc gia khác nhau trước khi chọn ra công ty có thể giúp hãng giảm thuế phải đóng ở mức tốt nhất. Để "trốn thuế", Apple đã thành lập các công ty con Apple Sales International (ASI) và Apple Operations International (AOI) tại một quốc gia cụ thể mà không cần di chuyển toàn bộ hoạt động của công ty đến quốc gia đó. Điều này cho phép Apple không phải đóng thuế doanh nghiệp tại các quốc gia trên toàn thế giới, trừ khoản thuế doanh thu.
Kết quả là, trong báo cáo tài chính gần đây của mình, Apple ghi nhận đã kiếm được 44,7 tỉ USD từ các thị trường ngoài nước Mỹ nhưng chỉ phải thanh toán 1,65 tỉ USD tiền thuế. Hơn nữa, một lượng lớn trong giá trị tiền mặt 252 tỉ USD của công ty cũng ở bên ngoài Mỹ. Khoản tiền mặt này đang được quản lý bởi ASI và AOI tại Jersey, một hòn đảo nhỏ của Anh ở eo biển Channel.
Dĩ nhiên, các nhà làm thuế tại châu Âu không để điều này diễn ra. Vào tháng 8.2016, Ủy ban châu Âu (EU) đã yêu cầu Apple thanh toán 13 tỉ USD tiền thuế mà họ cho rằng hãng này trốn. Apple đã kháng cáo quyết định và EU cho biết sẽ đưa Ireland ra tòa vì không thu những khoản thuế từ Apple.
Chính phủ Ireland sau đó khắc phục kẽ hở thuế, tuy nhiên quy định sửa đổi của nước này vẫn bị Apple lợi dụng. Một trong số đó là chi phí khấu trừ tài sản vô hình, cho phép một công ty di chuyển tài sản trí tuệ của mình sang Ireland, và thay vì nộp thuế cho lợi nhuận trong tương lai của tài sản đó, luật chỉ yêu cầu khoản phí cho thu nhập từ tài sản trí tuệ. Đáng chú ý, Bộ Tài chính Ireland phủ nhận các nghi vấn liên quan đến lỗ hổng thuế mới mà Apple có thể tận dụng.
Được biết, hồ sơ Paradise với 13,4 triệu tài liệu đã phơi bày những khu vực trên thế giới đang “dung túng” những người trốn thuế, và cả những chiêu trò tinh vi, phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia giàu có nhất để có thể lách luật, bảo vệ tài sản của họ.
tin liên quan
Giá trị Apple đạt 900 tỉ USDCổ phiếu hãng táo khuyết tăng đến mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch sáng 3.11 (giờ Mỹ), giúp công ty lần đầu nâng giá trị lên 900 tỉ USD.
Bình luận (0)