Theo Neowin, IDC cho biết doanh số smartphone giảm mạnh trong quý vừa qua bắt nguồn từ "nhu cầu yếu, lạm phát và những bất ổn vĩ mô". Công ty nhấn mạnh mức giảm này cao hơn mức 12,7% được dự báo trước đó.
Mặc dù con số này là tin xấu cho các nhà sản xuất điện thoại nhưng IDC cho biết hàng tồn kho đang ở tình trạng tốt hơn nhiều so với 6 tháng trước do số lô hàng giảm và các hoạt động quảng cáo rầm rộ nhằm giúp đẩy nhanh hàng tồn kho.
Giám đốc nghiên cứu Nabila Popal của IDC cho biết ngành công nghiệp smartphone đang trải qua giai đoạn thanh lý và điều chỉnh hàng tồn kho. Các công ty điện thoại vẫn thận trọng trong việc tiếp cận thị trường hơn là đổ thêm hàng vào các kênh bán lẻ để theo đuổi mức tăng thị phần tạm thời. Theo IDC, đây là cách đi thông minh để tránh những tình trạng xấu hơn những gì đã xảy ra vào năm ngoái. "Ngay cả khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào cuối năm nay nhưng vẫn còn 3 - 6 tháng khó khăn phía trước", Popal chia sẻ.
Báo cáo chỉ ra rằng, hầu hết các khu vực trên thế giới đều chứng kiến lượng smartphone xuất xưởng sụt giảm ở mức hai con số. IDC cho biết người tiêu dùng đang đặt những thứ như du lịch và giải trí lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của họ trước khi mua điện thoại. Điều thú vị là các thị trường phát triển có mức giảm nhỏ hơn khoảng 10%, trong khi các thị trường mới nổi có mức giảm lên đến 20%.
Trong số tất cả các nhà sản xuất smartphone, Xiaomi chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất (-23,5%) về doanh số. Thương hiệu giảm nhẹ nhất là Apple (-2,3%) do cơ sở khách hàng giàu có hơn có thể tiếp tục nâng cấp iPhone bất chấp khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Bình luận (0)