ASEAN cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?

Mai Hà
(từ Vientiane, Lào)
08/10/2024 19:17 GMT+7

Câu hỏi được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024 chiều 8.10 tại thủ đô Vientiane (Lào).

Hội trường ASEAN BIS 2024 tại thủ đô Vientiane (Lào) - nơi Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ sự trân trọng và gửi gắm những kỳ vọng với các doanh nghiệp, doanh nhân chật kín đại diện các doanh nghiệp trong khối cũng như các nhà đầu tư quốc tế.

ASEAN cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?- Ảnh 1.

Thủ tướng nhấn mạnh đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân với tự lực, tự cường của ASEAN

ẢNH: NHẬT BẮC

ASEAN BIS 2024 diễn ra trong 4 ngày (từ 8 - 11.10) với 800 đại diện doanh nghiệp, tập trung thảo luận về các chủ đề doanh nghiệp khu vực đang quan tâm như chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, khả năng phục hồi sức khỏe, y tế đảm bảo hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến những khó khăn, thách thức của khu vực và thế giới hiện nay như dịch bệnh, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng và sản xuất. Cạnh đó là các thách thức về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.

Trước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, theo Thủ tướng, ASEAN vẫn tự lực, tự cường, đứng vững và là tâm điểm của tăng trưởng.

Nhấn mạnh đây là điều đáng tự hào, Thủ tướng cũng khẳng định trong thành công chung của khối có sự đóng góp của các doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu không có đội ngũ doanh nhân giỏi, nền kinh tế sẽ trì trệ và đất nước không thể thịnh vượng.

Nêu câu hỏi vậy ASEAN cần làm gì trong bối cảnh hiện nay, theo người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, ASEAN cần tiếp tục đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường. Doanh nghiệp cần ủng hộ Chính phủ các nước ASEAN thực hiện các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng cũng chia sẻ mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN thực hiện 5 tiên phong. Một là tiên phong về tư tưởng, bởi ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường.

“Tôi mong các bạn tự cường, cùng Chính phủ các nước ASEAN giải quyết vấn đề khó khăn mới nổi như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói.

Hai là tiên phong kết nối các nền kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Cần kết nối nền kinh tế các nước ASEAN với nhau để xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau chia sẻ các chính sách ưu tiên.

Ba là tiên phong đổi mới sáng tạo, lập nghiệp, hạn chế những mặt trái của khoa học công nghệ mang lại như an ninh mạng, tội phạm mạng.

Bốn là tiên phong đột phá trong hạ tầng chiến lược, xây dựng thể chế và chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Và cuối cùng là tiên phong trong hội nhập với thế giới. Các quốc gia cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, doanh nghiệp cùng chung tay với Chính phủ giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân.

ASEAN cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?- Ảnh 2.

Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có ASEAN đầu tư và hợp tác tại Việt Nam

ẢNH: NHẬT BẮC

Về phía Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng đất nước vẫn xây dựng được một chính sách kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập sâu rộng với thế giới.

Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN và với các đối tác, Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Hiện nay, Việt Nam tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Việt Nam cũng xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát huy sáng tạo và khả năng của mình, phát huy lợi thế cạnh tranh.

Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp nước ngoài, gồm cả doanh nghiệp các nước ASEAN đã đến Việt Nam đầu tư kinh doanh với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng tận hưởng niềm vui, hạnh phúc và vinh quang.

Giữ hình ảnh bộ đội cụ Hồ trên đất Lào

Trước đó, thăm và làm việc tại Công ty Unitel - công ty viễn thông do Tập đoàn Viettel đầu tư tại Lào, Thủ tướng lưu ý đơn vị hợp tác tại đây không chỉ đơn thuần là công việc kinh doanh mà quan trọng hơn, là góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

"Đầu tiên, phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị Đảng và Nhà nước giao, phải hoàn thành để góp phần củng cố quan hệ hai nước nói chung và Bộ Quốc phòng hai nước nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong hoạt động kinh doanh, Thủ tướng lưu ý Unitel cần hoạt động đúng luật, kinh doanh "cố gắng không lỗ", tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Unitel cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn ở Lào.

"Phải luôn đổi mới sáng tạo, thích ứng tình hình, phản ứng kịp thời với diễn biến nhanh về tình hình chính trị, về công nghệ, giữ vững hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam và hình ảnh bộ đội cụ Hồ trên đất nước Lào", Thủ tướng quán triệt.

Sau 15 năm kinh doanh tại Lào, Unitel hiện là nhà mạng viễn thông lớn nhất - một trong những công ty đóng góp ngân sách lớn. Nhà mạng này nộp ngân sách Nhà nước hơn 40 triệu USD mỗi năm, lũy kế tới hết tháng 9.2024 là 613 triệu USD, đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.