Theo dự báo của chuyên trang Global Ports, năm 2017 sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các dự án cảng biển tại Đông Nam Á khi nhiều thành viên ASEAN đang chạy đua phát triển để vừa tăng cường kết nối vừa cạnh tranh giành vị thế dẫn đầu trong trung chuyển hàng hóa khu vực. Điều này có thể giúp giảm tình trạng quá tải tại các cảng hiện nay cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhờ giảm chi phí và thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhộn nhịp nhất thế giới
Hiện nhiều dự án lớn đang được lên kế hoạch hoặc đã bắt đầu triển khai xây dựng. Nhận định về tình hình hiện nay, chuyên gia Turloch Mooney thuộc Công ty tư vấn toàn cầu IHS Markit (trụ sở tại London, Anh) gọi Đông Nam Á là nơi “nhộn nhịp nhất thế giới” về phát triển cảng biển.
Tại Việt Nam, đáng chú ý có dự án cảng Hòn Khoai, Cà Mau với mục tiêu trở thành cảng trung chuyển đầu mối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 250.000 tấn. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh với tổng mức đầu tư lên đến gần 7.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, trả lời Thanh Niên, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân cho biết Việt Nam đang phát triển một số cảng ngoài 2 cụm cảng chính là cụm số 1 ở Hải Phòng và cụm số 5 khu vực TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngay tại 2 cụm cảng chính hiện nay cũng sẽ phát triển thành cửa ngõ quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay khoảng 11 triệu teu container (một container 20 feet tính là một teu) và 300 triệu tấn hàng hóa.
Theo ông Lân, phát triển cảng biển đang mạnh hơn ở phía nam do thị trường lớn hơn vì cụm cảng TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu hiện chiếm khoảng 72% tổng lượng container. “Nhu cầu cảng nước sâu rất lớn. Cảng Cái Mép - Thị Vải ngay khi vừa phát triển xong đã gần đầy. Do đó, cảng nước sâu sẽ rất thiếu trong thời gian sắp tới”, ông nhận định và cho biết thêm việc phát triển cảng, nhất là cảng nước sâu để tiếp nhận tàu lớn, sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp nhờ chi phí vận tải rẻ hơn.
Ngoài Lào không giáp biển thì 2 nước khác trong khối CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) là Campuchia và Myanmar cũng đang tập trung xây cảng biển. Tuần trước, chính phủ Campuchia công bố kế hoạch trị giá 300 triệu USD xây cảng nước sâu mới ngay cạnh cảng Sihanoukville nhằm tiếp nhận tàu hàng to hơn và giảm giá thành vận tải. Dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2022 và xét về kích cỡ thì khoảng 93% các tàu hàng trong khu vực có thể cập cảng do mớn nước sâu đến 14,5 m.
Khu vực eo biển Malacca, cửa ngõ nối Ấn Độ Dương và Biển Đông, cũng có ít nhất 5 dự án cảng biển. Singapore đang xây siêu cảng Tuas và sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ có thể tiếp nhận 20 triệu container hằng năm. Nước láng giềng Malaysia cũng đang mở rộng 2 cảng quốc tế chính là Tanjung Pelepas và Klang. Đáng chú ý, phát triển cảng biển tại đây cũng thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc với dự án siêu cảng Melaka Gateway tại Malaysia và Tanjung Sauh ở Indonesia.
tin liên quan
Cộng đồng kinh tế ASEAN còn nhiều thách thứcNằm trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)
vừa tròn 1 năm thành lập. Tuy nhiên nhiều chuyên gia đánh giá các nước
thành viên chưa tận dụng hết lợi thế để hội nhập và phát triển.
Giảm quá tải
Theo các chuyên gia, các dự án mới có thể giúp khắc phục tình trạng quá tải kéo dài tại nhiều cảng biển do thiếu cảng nước sâu cũng như hạ tầng kết nối tại ASEAN thời gian qua. Theo Global Ports, cảng Sihanoukville của Campuchia hiện đang “oằn mình” gánh lưu lượng lên đến 500.000 container/năm trong khi ùn tắc được dự báo sẽ còn tiếp diễn tại Myanmar, Indonesia và Philippines thêm một thời gian.
Chuyên gia Turloch Mooney cảnh báo nếu không có thêm biện pháp trong năm 2017, tình trạng ách tắc tại các cảng tiếp tục là nguy cơ đối với các chiến lược tăng cường hội nhập, thông thương và thu hút đầu tư nước ngoài của ASEAN.
Trước mắt, trong lúc chờ sự thành hình của các cảng mới, nhiều nước đang xúc tiến tìm kiếm giải pháp. Myanmar vừa áp dụng hệ thống thông quan hàng hóa MACCS do Nhật Bản đầu tư trị giá 40 triệu USD nhằm tăng tốc dòng lưu chuyển hàng hóa nhờ tự động hóa một số quy trình.
Chính phủ Campuchia thì đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu giảm tải cho cảng Sihanoukville, theo tờ The Khmer Times.
Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã cam kết giảm thời gian hàng hóa chờ tại cảng và bước đầu đạt kết quả khả quan khi cảng Tanjung Priok ở Jakarta đã giảm thời gian chờ từ hơn 1 tuần trong năm 2015 xuống còn trung bình 3,7 - 4,2 ngày.
Bình luận (0)