Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương |
reuters |
Tại cuộc họp báo qua điện thoại hôm 17.2, ông Kritenbrink một lần nữa khẳng định quan điểm của Mỹ rằng 10 quốc gia thuộc ASEAN đóng vai trò trung tâm không thể bàn cãi đối với tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như an ninh và thịnh vượng của chính nước Mỹ.
“Và cùng nhau, khối ASEAN với 650 triệu dân và nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới chắc chắn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Mỹ”, ông nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Mỹ đề cập đến cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong việc mở rộng quan hệ ở mọi khía cạnh với ASEAN, từ các vấn đề an ninh đến đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, đối phó nạn đánh bắt trái phép, cũng như thách thức liên quan đến chuỗi cung ứng và tăng cường hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, Mỹ đặt mục tiêu phát triển quan hệ ở những lĩnh vực tiềm năng như y tế toàn cầu, biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan đến sông Mê Kông.
“Vì thế tôi tự tin tin rằng khi Tổng thống Biden chủ trì cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt với các nhà lãnh đạo ASEAN (tại Washington D.C trong năm 2022), tất cả những vấn đề trên sẽ được đề cập. Đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để chứng minh quan hệ bền chặt giữa Mỹ và ASEAN tại khu vực cực kỳ quan trọng đối với Mỹ”, ông Kritenbrink cho biết.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý rằng chuyến thăm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từ ngày 7-13.2 là sự khởi đầu cho một năm tất bật nhằm thúc đẩy quan hệ của Mỹ với các đối tác tại khu vực. Trong năm 2022, cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ diễn ra tại Washington D.C; kế đến là Hội nghị Đại dương của chúng ta tại Palau; Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Đông Á; Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuần trước Mỹ cũng công bố sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC năm 2023.
Trong lúc ông Blinken đang công du Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược đầu tiên về khu vực này dưới thời Tổng thống Biden. Và ngày 17.2 cũng đánh dấu một trong những cuộc họp báo qua điện thoại đầu tiên nhằm thông tin thêm về chiến lược mới của Mỹ cho báo giới khu vực.
Theo đó, chiến lược này đề ra tầm nhìn của Tổng thống Biden nhằm củng cố vững chắc hơn vị trí của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho cả khu vực trong quá trình đó. Trọng tâm chính của chiến lược là sự hợp tác bền vững và sáng tạo cùng với các nước đồng minh, đối tác, cũng như các thể chế cả trong và ngoài khu vực.
Đáng lưu ý rằng, 6 trong 10 thành viên ASEAN nằm trong liên minh hiệp ước với Mỹ, hoặc là đối tác hàng đầu khu vực của chính quyền Washington. Trong đó, Việt Nam được Mỹ xem là đối tác hàng đầu khu vực.
Một phần của chiến lược đề cập đến việc mở rộng sự hiện diện của Tuần duyên Mỹ tại khu vực, cũng như hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia khác.
Về khía cạnh này, ông Kritenbrink khẳng định Mỹ tiếp tục xúc tiến nỗ lực xây dựng năng lực hàng hải cho các đối tác, bao gồm hỗ trợ các lực lượng cảnh sát biển và chuyển giao những phương tiện tuần tra biển trong thời gian tới.
Bình luận (0)