ASEAN lo ngại về Biển Đông, Triều Tiên

30/04/2017 07:00 GMT+7

Ngày 29.4, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Manila của Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN tham dự hội nghị.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên thực hiện 3 trọng tâm: đáp ứng lợi ích của người dân và lấy người dân làm trung tâm; nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN; đẩy mạnh hợp tác nội khối và liên kết khu vực. Bên cạnh đó, sau 50 năm hình thành và phát triển, đây là thời điểm ASEAN đề ra các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, cải tiến cơ chế, tinh giản bộ máy, coi đây là điều kiện cần thiết để ASEAN tiếp tục vững mạnh và vươn lên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng ASEAN cần dành ưu tiên cao cho hợp tác về kinh tế thương mại, tích cực hỗ trợ khối doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), sớm hoàn thiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2016 - 2025, dành nhiều nguồn lực hơn cho các hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo, hỗ trợ tiếp cận tài chính, mở rộng thị trường trong nền kinh tế số toàn cầu. Trong đó, VN sẽ cùng Thái Lan nỗ lực làm tốt vai trò dẫn dắt trong thực hiện lĩnh vực ưu tiên “Nâng cao năng suất, thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Lo ngại an ninh
Ngày 29.4, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo Brunei, Thái Lan và Philippines. Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thương mại, đầu tư, lao động, hợp tác chống đánh bắt cá trái phép, trong đó có việc sớm đàm phán Hiệp định dẫn độ, Hiệp định hỗ trợ tư pháp; thúc đẩy hợp tác gạo, cân bằng cán cân thương mại hai nước; triển khai trên thực tế Thỏa thuận về lao động trong năm 2017; sớm thiết lập cơ chế đường dây nóng nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo 10 thành viên ASEAN đã tham dự phiên họp hẹp nhằm thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối ngoại và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời, trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Theo TTXVN, hội nghị bày tỏ quan ngại đối với những diễn biến phức tạp như tình hình bán đảo Triều Tiên, hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và nguy cơ khủng bố lan rộng. Do đó, ASEAN đứng trước yêu cầu cần có tiếng nói chung mạnh mẽ, phát huy vai trò tích cực và đóng góp vào nỗ lực chung duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Hội nghị cũng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy hoàn tất khung của Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm nay, tạo điều kiện sớm tiến tới xây dựng một COC hiệu quả.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ quan ngại về những chuyển biến sâu sắc của tình hình quốc tế và khu vực thời gian qua cũng như các tác động nhiều mặt đối với ASEAN và mỗi quốc gia thành viên. Các thách thức đa chiều này vừa là phép thử chiến lược, vừa là cơ hội để ASEAN chứng tỏ bản lĩnh và vai trò trung tâm trong việc xử lý các vấn đề khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất ASEAN cần đề cao trách nhiệm của thành viên và tinh thần cộng đồng, nhất là lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực, đi đầu trong việc đề cao, tuân thủ luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, chú trọng hoạt động thực chất, tăng cường hiệu quả các cơ chế đối thoại của ASEAN.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần đề cao các nguyên tắc cơ bản và lập trường chung về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Các bên cần kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng COC hiệu quả, thực chất và khả thi trên thực tế; góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cũng trong ngày 29.4, các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự lễ ký kết “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”, đưa ra những định hướng và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công vụ giữa chính phủ các nước ASEAN thời gian tới.
Đến 0 giờ ngày 30.4 (giờ địa phương), hội nghị vẫn chưa đưa ra tuyên bố chung chính thức. Trước đó, Reuters dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao nói rằng có 4 thành viên ASEAN cương quyết phản đối việc rút cụm từ “xây đắp và quân sự hóa” ra khỏi phần bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông trong dự thảo tuyên bố chung. Cũng theo các nguồn tin, Trung Quốc trước đó đã liên tục vận động để cụm từ này bị rút khỏi dự thảo tuyên bố. Trả lời Thanh Niên, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục nhận định rằng đương nhiên cũng sẽ có những nước không nhượng bộ nhưng sẽ bằng biện pháp ngoại giao mềm mỏng, tính toán không gây ra căng thẳng để có được tuyên bố chung và tránh đổ vỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.