ASEAN nhấn mạnh không quân sự hóa Biển Đông

11/09/2020 06:57 GMT+7

Các bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế các hoạt động làm gia tăng căng thẳng.

Qua thảo luận về tình hình Biển Đông, một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đảo và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và làm suy yếu hòa bình, ổn định của khu vực.
Ngày 10.9, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung về kết quả Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53). Tuyên bố chung dài 28 trang, với 99 điểm, bằng tiếng Anh, nhấn mạnh các nội dung: xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có tầm nhìn ASEAN 2020; đối phó với dịch Covid-19; xây dựng mạng lưới thành phố thông minh ASEAN và kết nối nội khối; cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, bạo lực cực đoan, buôn bán người, an ninh mạng; nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh và hòa bình trong khu vực, hợp tác an ninh hàng hải...

Giữ hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định trên Biển Đông

Các bộ trưởng ASEAN tái khẳng định việc Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý, mà trong đó tất cả các hoạt động trên biển và đại dương phải tuân thủ, là cơ sở cho hành động và hợp tác biển cho các quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.
Các bộ trưởng cũng bày tỏ hoan nghênh sự phát triển tích cực trong hợp tác hàng hải giữa các nước thành viên ASEAN, thông qua các đối thoại mang tính xây dựng về các lợi ích và mối quan ngại chung dưới các khuôn khổ hợp tác khu vực; khuyến khích các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tội phạm xuyên quốc gia trên biển, tạo môi trường thuận lợi cho giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đảm bảo bền vững biển, cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người và tàu thuyền gặp nạn trên biển, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, thúc đẩy kết nối hàng hải và thương mại, tăng cường nghiên cứu khoa học biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982...
Ngoài ra, tuyên bố cũng có 2 điểm đề cập đến vấn đề trên Biển Đông, qua đó, các bộ trưởng tái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông; xác nhận lợi ích của việc có một vùng Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và hoan nghênh các biện pháp thiết thực giúp giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra các sai lầm trên biển. Các bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và các biện pháp nhằm nâng cao sự tin cậy giữa các bên.
Qua thảo luận về tình hình Biển Đông tại hội nghị, một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động cải tạo đảo và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và làm suy yếu hòa bình, ổn định của khu vực. Các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết phải nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế khi tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế các hoạt động làm gia tăng căng thẳng.

Ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực

Cùng ngày 10.9, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ, các nước đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên, coi đây là nhân tố quan trọng trong bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực, hoan nghênh thành lập quan hệ Đối tác Mê Kông - Mỹ. Kể từ khi quan hệ đối thoại ASEAN - Mỹ hình thành năm 1977, Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược của ASEAN, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 và là nhà đầu tư lớn thứ 4 của ASEAN. Bên cạnh đó, các nước cũng cho rằng việc Mỹ tham gia tích cực vào các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt đã hỗ trợ ASEAN duy trì hiệu quả vai trò trung tâm, thúc đẩy đối thoại và hợp tác trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định việc ASEAN xây dựng thành công cộng đồng và đóng vai trò trung tâm của khu vực là phù hợp với lợi ích của Mỹ; đồng thời đánh giá cao vai trò chủ động của Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt trong điều phối các nỗ lực khu vực cùng với các đối tác ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19. Ông Pompeo cũng đánh giá cao Tài liệu Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP); tái khẳng định cam kết của Mỹ xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi.
Riêng về Biển Đông, Mỹ khuyến khích các nước ASEAN đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và các giá trị đã được nêu trong AOIP.
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng thông qua Kế hoạch hành động nhằm triển khai Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ (2021 - 2025), với các hành động cụ thể để đưa hợp tác đi vào thực chất và đúng tiến độ.
Chiều cùng ngày diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Úc và New Zealand, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Canada. Các bên bày tỏ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang phát triển năng động và trong bối cảnh dịch chuyển địa chính trị ở khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.