(TNO) Ngày 29.7, các quan chức ngoại giao của Trung Quốc và ASEAN đã tham dự Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 9, tổ chức tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Các nước ASEAN và Trung Quốc thảo luận về việc thực thi toàn diện DOC - Ảnh: Reuters
|
Các quan chức ngoại giao Trung Quốc - ASEAN đã thảo luận về việc thực hiện toàn diện và hiệu quả DOC, nhằm hướng đến Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Trung Quốc và ASEAN đã ký kết DOC vào năm 2002 tại Campuchia, là văn bản đầu tiên được ký kết giữa hai bên về vấn đề Biển Đông.
Tân Hoa xã dẫn lại thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29.7 cho biết Trung Quốc và ASEAN cam kết tăng cường hợp tác hàng hải, hướng đến thực hiện đầy đủ và toàn diện DOC và tiếp tục thảo luận về việc thiết lập COC.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân và Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak chủ trì hội nghị. Ông Noppadon cho hay ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau để hướng đến quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Trung Quốc vững mạnh hơn.
Ông Lưu cho biết hội nghị diễn ra thành công và đoàn đại biểu các nước thỏa luận việc thực thi DOC và việc thành lập COC trong bầu không khí "ấm áp và thân tình", theo thông tấn xã Bernama của Malaysia.
Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc được thiết lập 12 năm trước, và 2016 là năm đánh dấu kỷ niệm Quan hệ Đối thoại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 25.
Gọi ASEAN là láng giềng thân tình của Trung Quốc, ông Lưu nói vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác hai bên và việc thiết lập DOC.
Tuy nhiên, ông Lưu lại cho rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không phải là tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc (?); đồng thời nói Trung Quốc phản đối sự can thiệp của “một số quốc gia không cần thiết” vào tình hình Biển Đông, cũng như những quốc gia chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đang gia tăng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm bành trướng quân sự và củng cố tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.
Nhật Bản từng lên tiếng chỉ trích hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và cân nhắc việc phối hợp với Mỹ tuần tra chung ở Biển Đông.
Bình luận (0)