Đoàn bắn súng Việt Nam sớm vượt chỉ tiêu đề ra khi đến lúc này đã đem về 1 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, bên cạnh 1 nội dung cuối đang thi đấu trong 2 ngày 30.9 và 1.10 là cá nhân và đồng đội nam của Lê Nghĩa, Nguyễn Hoàng Điệp; cá nhân và đồng đội nữ của Hoàng Thị Tuất, Nguyễn Thị Tuyết Mai.
Giữa những thành công đó, BHL bắn súng Việt Nam đã có tính toán gối đầu cho tương lai ở một số nội dung, khi sau Phạm Quang Huy đoạt HCV ASIAD ở tuổi 27, là một loạt tài năng trẻ gen Z rất đáng chú ý khác.
Trong đó có thể kể đến những xạ thủ xinh đẹp của nội dung súng trường hơi nữ là Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 2003, nội dung 10 m), Phí Thanh Thảo (2004, 10 m và 50 m), Nguyễn Thị Thảo (1998, 10 m và 50 m) đến với ASIAD để tranh đua và tích lũy kinh nghiệm.
Thi đấu cùng những tay súng cừ khôi của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan… nên những cô gái tuổi đôi mươi của bắn súng Việt Nam này chưa có huy chương là dễ hiểu, nhất là VĐV Việt Nam thường chín trễ hơn khu vực vì nhiều lý do.
Ngoài kinh nghiệm thi đấu quý giá, 3 cô gái trẻ của đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng có niềm vui nho nhỏ, với bộ sưu tập huy hiệu (pin) của các nước khá ấn tượng, đủ sắc màu được đính dày đặc trĩu nặng dây đeo VĐV.
Ở các kỳ đại hội thể thao, bên cạnh giao lưu chuyên môn còn là dịp để các VĐV, BHL, tình nguyện viên, báo chí… trao đổi huy hiệu lẫn nhau để làm kỷ niệm. Do vậy, việc có dây đeo kín huy hiệu là cảm giác rất oách và thường được người khác trầm trồ, thậm chí xin chụp hình chung.
Đem hỏi, các nữ xạ thủ xinh xắn của chúng ta khúc khích cười thích thú. Lê Thị Mộng Tuyền (đến từ đoàn TP.HCM) cho biết: "Để có được bộ sưu tập huy hiệu như thế này, chúng tôi phải rất tích cực đi giao lưu rộng rãi với VĐV các nước đó!".
Đứng bên cạnh, Phí Thanh Thảo đến từ đoàn quân đội lí lắc: "Thấy ai tụi tôi cũng đi hỏi và trao đổi. Thực ra đổi huy hiệu như thế này là vui thôi, chủ yếu để giao lưu kết bạn với các đội khác để biết nhau thêm".
Cô gái đến từ đoàn Quảng Ninh Nguyễn Thị Thảo cho biết: "Chúng tôi gặp nhau thường nói tiếng Anh. Nhưng nhiều khi bạn không biết mình nói tiếng Việt họ cũng được, cứ giơ huy hiệu ra là người ta hiểu".
Phí Thanh Thảo cười tươi: "Hầu như chúng tôi đề nghị ai thì họ cũng đồng ý trao đổi hết. Có lẽ do thấy là con gái nên ai cũng vui vẻ giao lưu cả. Đến lúc này chúng tôi vẫn chưa đếm số lượng huy hiệu có trên người.
Trong quãng thời gian còn lại ở ASIAD 19, chúng tôi sẽ vẫn sưu tập tiếp. Mấy chị em ai cũng chuẩn bị sẵn rất nhiều huy hiệu Việt Nam để trao đổi, chia sẻ với các đồng nghiệp ở đại hội thể thao này".
Cũng nói thêm, đừng thấy các cô gái trẻ trung mà nhầm. Như Phí Thanh Thảo (sinh năm 2004) là "hot girl" tài sắc vẹn toàn của bắn súng Việt Nam. Năm 2022 tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam, ở tuổi 18 cô đã đoạt luôn cú đúp HCV ở 2 nội dung 50 m súng trường 3 tư thế và 10m súng trường hơi nữ.
Trong khi đó, cô gái Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 2003) khi mới 19 tuổi cũng từng vào chung kết ở giải vô địch súng hơi châu Á 2022, xếp hạng thứ 5 với tổng điểm 631. Những thông số đó cho thấy sau thế hệ Hoàng Xuân Vinh, đội tuyển bắn súng Việt Nam đang làm tốt công tác phát triển các lứa kế cận.
Có thể kể tên Phạm Quang Huy (sinh năm 1996), Phan Công Minh (1994), Lại Công Minh (1999) hay Trịnh Thu Vinh (2000, đoạt vé dự Olympic Paris 2024), bộ 3 súng trường nữ Lê Thị Mộng Tuyền (2003), Phí Thanh Thảo (2004), Nguyễn Thị Thảo (1998) hứa hẹn sẽ đem vinh quang về cho bắn súng Việt Nam trong vài năm tới.
Bình luận (0)