Trong lần ra mắt này, Z490 ROG Strix-A Gaming có tông màu chủ đạo là trắng và bạc, trái ngược với các bo mạch chủ được định vị cho game khác. Thay vì đi theo phong cách cứng cáp và hầm hố, Strix-A Gaming lựa chọn phong cách lạnh lùng nhưng vẫn ngầu.
|
Thiết kế
Các bộ phận tản nhiệt cho ổ cứng M.2, pha nguồn đều được sử dụng chất liệu kim loại và màu sơn bạc. Những tấm tản nhiệt này đều được cắt lớp tinh xảo, rất bắt mắt. Không thể thiếu là các logo và khẩu hiệu của dải sản phẩm ROG – Republic of Gamers được in chìm trên tản nhiệt.
|
Phần I/O được bảo vệ bởi một lớp nhựa trắng, trông giống như các bo mạch chủ thuộc dòng Prime của Asus. Về tổng thể, các phần được phối màu tương đối hài hòa. Mặc dù cảm nhận cá nhân thì vẫn chưa thấy “đã” lắm, nhưng Asus Z490 ROG Strix-A Gaming vẫn đảm bảo có kiểu dáng đẹp cho các nhu cầu “khoe” máy.
|
Một điểm nhấn khác là cả 3 khe VGA PCIe của bo mạch đều được bọc thép để đảm bảo cố định tốt VGA, đồng thời giúp ổn định điện năng khi kết hợp cùng các thiết bị cao cấp. Dĩ nhiên, Aura Sync – hệ thống đèn RGB của Asus – là tính năng không thể thiếu ở những bo mạch chủ thuộc phân khúc này.
|
Tính năng
Để cấp nguồn cho CPU, Z490 ROG Strix-A Gaming sử dụng đầu 8+4 pin, và trong quá trình thử nghiệm, sản phẩm có thể cân được tốt Intel Core i9-10900K, một điểm nhấn đáng kể khi đây chỉ là một bo mạch chủ tầm trung. Với thiết kế pha nguồn 12+2, bo mạch chủ đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định khi được cấp đủ nguồn, và có thể phù hợp cho các nhu cầu ép xung hay tải nặng.
|
Có 2 khe M.2 được trang bị trên bo mạch chủ, trong đó 1 hỗ trợ chuẩn NVMe và 1 dành cho cả NVMe lẫn SATA. Ngoài ra, sản phẩm còn có một khe hỗ trợ chuẩn Key E để người dùng có thể sử dụng kết hợp cùng card Wi-Fi 6 (bán rời) tốc độ cực cao.
|
Phần I/O của Z490 ROG Strix-A Gaming được trang bị đầy đủ cổng kết nối, với 6 cổng USB 3.2 (2 Gen 2 và 4 Gen 1), 1 cổng HDMI, 1 cổng DisplayPort, 1 cổng LAN 2.5 Gigabit và 6 cổng kết nối âm thanh chất lượng có đầu cắm mạ vàng.
|
Về âm thanh, ROG SupremeFX 8 kênh với CODEC S1220A đảm bảo đem lại khả năng tái tạo dải âm tốt, phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau bên cạnh chơi game. Hai ampli tích hợp sẽ giúp cho game thủ có thể nghe nhạc, xem phim tốt hơn khi muốn giải trí.
|
Đối với những người có nhu cầu tùy biến BIOS và ép xung, Asus cũng trang bị cho Z490 ROG Strix-A Gaming một nút cập nhật BIOS cứng ở phần I/O, và có một cổng USB được thiết kế dành riêng cho nhu cầu flashback BIOS khi cần.
|
Hiệu năng
Với hệ thống VRM được thiết kế ấn tượng, sử dụng bộ 12+2 pha nguồn và tụ DrMos 50A, không quá khó để Z490 ROG Strix-A Gaming hoạt động cùng Intel Core i9-10900K liên tục 24/24 ở chế độ Turbo Boost. Đồng thời, tuy không có tản nhiệt hầm hố như các sản phẩm cận cao cấp và cao cấp khác, nhưng nhìn chung bo mạch chủ hoạt động mát mẻ, rơi vào khoảng 40 đến 50 độ tùy vào nhu cầu sử dụng.
|
Để đánh giá hiệu năng chung, Thanh Niên Game thiết lập nhanh một hệ thống để thử xem liệu Z490 ROG Strix-A Gaming gánh được Intel Core i9-10900K đến đâu.
|
Hệ thống thử nghiệm
Vi xử lý: Intel Core i9-10900K
Bo mạch chủ: Asus Z490 ROG Strix-A Gaming
VGA: ROG Strix 2070 8GB
RAM: Thermaltake Toughram 32GB 4233MHz
Ổ cứng: Kingston KC600 512GB
Nguồn: Thermaltake Toughpower 1050W
Thùng máy: Thermaltake Level 20GT
Tản nhiệt: Thermaltake Water 3.0
|
Hiệu năng game
Về tổng thể khả năng tải và nhiệt độ của hệ thống khi hoạt động là khá ấn tượng. Tất cả mọi thiết lập đều được đặt ở chế độ mặc định, và công suất hoạt động tối đa của vi xử lý không vượt quá 280W cũng như chỉ có nhiệt độ khoảng 8x độ C khi tải 100%.
|
|
Để thử nghiệm nhanh khả năng chiến game, Thanh Niên Game sử dụng một số tựa game có tính năng benchmark riêng như: Middle Earth: Shadow of War và Shadow of the Tomb Raider. Điểm số của các bài thử nghiệm sẽ làm hài lòng các game thủ.
|
|
Điểm số thử nghiệm cụ thể:
Middle Earth: Shadow of War (1080p – thiết lập đồ họa trung bình): 229 FPS
Middle Earth: Shadow of War (4K – thiết lập đồ họa Ultra): 79 FPS
Shadow of the Tomb Raider (1080p – thiết lập đồ họa trung bình): 165 FPS
Shadow of the Tomb Raider (4K – thiết lập đồ họa Ultra): 65 FPS
|
Có thể thấy, Intel Core i9-10900K không hề quá tầm với của Asus ROG Strix-A Gaming, dù sản phẩm có thiết kế pha nguồn thấp hơn một chút so với các bo mạch chủ cao cấp hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu năng ổn định lâu dài cũng như các nhu cầu ép xung mạnh mẽ, game thủ nên sử dụng bo mạch chủ này kết hợp cùng Intel Core i7-10700K.
Kết luận
Asus ROG Strix-A Gaming là một bo mạch chủ tốt, vừa có thiết kế đẹp theo phong cách lạnh lùng của game thủ, vừa có hiệu năng cao so với phân khúc tầm trung. Sản phẩm được tích hợp nhiều linh kiện chất lượng, cũng như các tính năng phù hợp cho game, và phục vụ nhiều nhu cầu khác bên cạnh việc chiến game.
Bình luận (0)