Trong bài viết được CNN đăng tải hôm 13.4 (giờ địa phương), trang tin nổi tiếng này ca ngợi ý tưởng “ATM gạo” của Việt Nam và nhấn mạnh: “Những ‘ATM gạo’ này đã được thiết lập ở khắp Việt Nam để giúp đỡ những người đang cần chúng nhất trong đại dịch Covid-19”.
Trang báo của Mỹ đề cao cách phòng chống dịch của nước ta: “Việt Nam có 265 trường hợp mắc Covid-19 (số liệu tại thời điểm bài viết đăng tải) và chưa có trường hợp tử vong, con số thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, để ngăn chặn sự lây lan hơn nữa, chính phủ đã thực thi giãn cách xã hội, đóng cửa hiệu quả nhiều doanh nghiệp nhỏ, khiến hàng ngàn người mất thu nhập”.
Đối với những người đột ngột mất thu nhập, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà tài trợ, hảo tâm đã thiết lập máy phân phát gạo miễn phí tại một số thành phố. CNN nêu rõ tại Hà Nội, các “ATM gạo” được phục vụ từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. “Những người xếp hàng được yêu cầu đứng cách nhau 6 feet (gần 2m) và họ phải dùng chất khử trùng tay trước khi nhận gạo”, trang tin nổi tiếng dẫn nguồn từ báo chí địa phương.
CNN tiếp tục: “Ở trung tâm thành phố Huế, một máy ‘ATM gạo’ được đặt tại một trường cao đẳng đã cung cấp khoảng 2kg gạo miễn phí cho mỗi người dân địa phương. Ở TP.HCM, ATM rút gạo hoạt động 24/7. Còn ở Đà Nẵng, hai máy ‘ATM gạo’ sẽ được thiết lập vào tuần tới”.
|
Hãng tin Reuters cũng đưa tin về “ATM gạo” ở Việt Nam và dẫn lời phỏng vấn những người liên quan. Chồng của chị Nguyen Thi Ly là một trong số những người bị thất nghiệp vì dịch và chị bày tỏ niềm phấn khởi khi được hỗ trợ gạo từ các máy “ATM gạo”. “Tôi đã đọc về máy ‘ATM gạo’ này trên internet. Tôi đến để kiểm tra và không thể tin rằng chúng có thật. Tôi thực sự hi vọng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục làm điều này cho đến khi đại dịch kết thúc”, trang tin dẫn lời người phụ nữ 34 tuổi với 3 người con. Chị cũng chia sẻ: “Chiếc máy ‘ATM gạo’ đã rất có ích. Với 1 túi gạo này, chúng tôi có thể có đủ ăn trong 1 ngày”.
Reutes cũng đề cập ông Hoàng Tuấn Anh là doanh nhân đứng đằng sau ý tưởng “ATM gạo”. Vị này chia sẻ với báo chí rằng sáng kiến này được ra đời để những người khó khăn nhận ra rằng họ vẫn có thể tiếp cận được nguồn lương thực, tài nguyên mặc cho tình hình kinh tế khó khăn mà họ đang gặp phải.
Hàng loạt bài báo với nội dung tương tự đã được nhiều trang tin quốc tế khác như: New York Post, Insider, The Times of India, Bangkok Post… đăng tải và nhận được sự quan tâm từ công chúng quốc tế.
Bình luận (0)