Ông Nguyễn Văn Hoạt, một người dân xã Thái Thượng (H.Thái Thụy), thông tin: “Dù bão có to đến mấy cũng không thấy tàu bè nào vào âu tàu”.
Theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, toàn bộ diện tích âu tàu rộng hàng ngàn mét vuông nằm ở khu vực cửa sông Diêm Hộ hoàn toàn vắng lặng. Khu nhà điều hành đóng cửa, không bóng người, rêu mọc xanh nền bê tông, các hàng cọc sắt, dây xích neo tàu đều han gỉ.
Ông Hoạt lý giải nguyên nhân: “Âu tàu xây dựng quay về hướng bắc. Bão thì gió hướng nam thổi đến. Tàu thuyền đậu hay ra vào đều hứng gió ngang thân tàu, khả năng lật, đắm rất cao. Xung quanh âu tàu lại trống trơn, không có cây cối chắn gió. Vì vậy không ai dám đưa tàu vào đây”.
tin liên quan
'Khát' nước bên công trình nửa tỉDo thiết kế kiểu “không giống ai” nên ngư dân vẫn phải đậu tàu ở các bến cũ như Bến cá Tân Sơn (xã Thụy Hải), khu neo đậu dốc cống Tràng Than (TT.Diêm Điền), bến đóng tàu Đại Dương... vì các điểm này rất kín gió, lại gần nhà, gần chợ đầu mối để giao thương sau mỗi chuyến biển. Thậm chí, khi có bão, tàu thuyền đông chật, thiếu điểm neo đậu thì ngư dân đưa tàu, thuyền vào tránh trú tại một số địa điểm không cho phép như khu vực trong cầu Diêm Điền, cống Tám Thôn (xã Thái Nguyên, H.Thái Thụy) chứ không dám vào âu tàu Thái Thượng.
Lại chờ tiền !
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Đức Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Thái Thụy, thừa nhận tình trạng bị bỏ hoang của âu tàu. “Thời điểm trước tôi chưa tiếp nhận quản lý âu tàu này, nhưng chắc là trong quá trình thiết kế đã không tính toán kỹ nên để xảy ra những lỗi này”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, với tổng số tàu hiện có của H.Thái Thụy là 537 tàu công suất từ 90 CV trở lên, cộng với tàu bè của tỉnh khác vào tránh trú khi có bão thì rất cần có một âu tàu. “Để không bỏ phí âu tàu Thái Thượng, UBND H.Thái Thụy đã có hướng khắc phục những nhược điểm hiện nay”, ông Hoàng nói. Cụ thể là trồng rừng phi lao quanh âu tàu để chắn gió, nạo vét khu vực cửa sông Diêm Hộ để khơi thông luồng lạch, giúp tàu ra vào dễ dàng. Đặc biệt, huyện đã tính toán xây dựng tại đây các dịch vụ hậu cần nghề cá như cung cấp xăng dầu, sửa chữa tàu thuyền, thu mua, chế biến hải sản...
Ngoài ra, ông Hoàng cũng cho biết UBND H.Thái Thụy đã trình và được UBND tỉnh phê duyệt việc trồng rừng phi lao chắn gió từ tháng 8.2016. Hiện huyện đang đợi kinh phí và đợi các ngành liên quan thực hiện thủ tục là sẽ triển khai ngay.
Năm 2012, UBND H.Thái Thụy triển khai xây dựng âu tàu Thái Thượng với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, nguồn vốn từ ngân sách. Dự án xây dựng bến đậu gồm hệ thống bê tông, kè đá, hệ thống trụ neo kiên cố để tiếp nhận cùng lúc 104 tàu, thuyền công suất từ 300 CV trở lên vào neo đậu. Đầu năm 2017, dự án này cơ bản hoàn thành và bắt đầu mở cửa đón tàu.
|
Bình luận (0)