Đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị xáo trộn, gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế nói chung. Nhưng các chuyên gia nhanh chóng nhận ra rằng Covid-19 sẽ là “cú hích” tạo nên sự thay đổi của không ít lĩnh vực khác nhau, phá vỡ lối mòn, buộc doanh nghiệp và các nhà sáng tạo phải thay đổi để thích nghi.
Giáo dục là một trong những ngành đang bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lại có các thay đổi rõ rét và khởi sắc nhất. Theo ước tính của UNESCO, tới giữa năm 2020 có hơn 1 tỉ học sinh toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 và họ đang thích nghi với điều kiện mới thông qua việc áp dụng công nghệ để học trực tuyến thay vì đến trường lớp như truyền thống.
Đào tạo từ xa không phải mới xuất hiện bởi hình thức này tồn tại cả thế kỷ nay, khởi nguồn qua hoạt động trao đổi thư tín, nghe radio hoặc TV hay gần đây là học qua internet. Tiến bộ công nghệ những thập kỷ qua đã thay đổi hoàn toàn ngành giáo dục. Khảo sát của Research & Market cho thấy thị trường giáo dục trực tuyến toàn cầu dự kiến tăng trưởng từ 187,9 tỉ USD năm 2019 tới 319,2 tỉ USD vào năm 2025, cho thấy tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, thậm chí còn là thị trường đầy hứa hẹn. Công ty nghiên cứu thị trường Ken Research dự đoán giáo dục trực tuyến Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số, đạt 20,2% trong giai đoạn 2019-2023 và sẽ đạt giá trị 3 tỉ USD. Công nghệ giáo dục (Ed-Tech) cũng đang thu hút sự quan tâm của không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà cả quốc tế, chỉ xếp sau FinTech (công nghệ tài chính) và Thương mại điện tử.
Tính đến năm 2020, Việt Nam có gần 23 triệu học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12 (theo Bộ Giáo dục và Đào tạo) và ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, thuộc 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục cấp phổ thông và trong ngành nói chung tại Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển nền tảng hỗ trợ dạy/học từ xa; ứng dụng công nghệ số toàn diện trong quản lý và dạy học; số hóa tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa…
Bà Lee Chew Tan - Tổng giám đốc lĩnh vực công toàn cầu, phụ trách khu vực ASEAN của Amazon Web Services (AWS) đánh giá: “Covid-19 đã thay đổi căn bản mô hình học tập và dù sau khi qua đại dịch, học sinh quay lại trường thì học trực tuyến vẫn đóng vai trò tích cực trong quá trình tiếp nhận kiến thức trong tương lai. Chính học trực tuyến mang lại giá trị và các mô hình học tập phong phú, mở rộng khả năng tiếp cận dữ liệu, thông tin. Đây là kênh học tập hết sức hiệu quả song song với mô hình học truyền thống”.
|
AWS là nền tảng đám mây toàn diện thuộc Amazon.com - công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ngoài việc cung cấp giải pháp đám mây, hãng còn hoạt động ở hơn 200 dịch vụ khác nhau liên quan tới internet, trí tuệ nhân tạo, IoT, di động, bảo mật… và kể cả công nghệ giáo dục. Công ty này cũng đang hợp tác với không ít startup công nghệ tại Việt Nam thông qua AWS EdStart - chương trình tăng tốc khởi nghiệp trực tuyến, hướng tới doanh nghiệp khởi nghiệp với các giải pháp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục. Chẳng hạn như Edmicro, một startup Việt Nam, đang hưởng lợi từ chương trình này. Edmicro đang sở hữu và vận hành website Onluyen.vn nhằm cung cấp một nền tảng giáo dục cá nhân hóa, tạo điều kiện cho các em học sinh học, thực hành và làm chủ các môn học trên lớp, đồng thời giáo viên cũng quản lý, đánh giá sức học tập của học sinh hiệu quả hơn. Trên thế giới hiện có hơn 7.500 cơ quan chính phủ, trên 14.000 tổ chức học thuật và 35.000 tổ chức phi lợi nhuận sử dụng AWS để hiện thực quá sứ mệnh của họ đối với người dân, cũng như giúp đơn giản hóa bộ máy vận hành.
“Khi nghiên cứu lĩnh vực giáo dục đào tạo toàn cầu, chúng tôi hướng tới nâng cao kết quả của người học dù ở cấp học hay đối tượng nào. Trong Ed-Tech, môi trường điện toán đám mây của AWS cho phép công ty công nghệ giáo dục đưa ra giải pháp linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả từ khi có ý tưởng tới khi thử nghiệm, triển khai, đồng thời mở ra cuộc chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ cũng như lớn vì có cùng cơ hội tiếp cận với công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng thành giải pháp cụ thể, từ đó mở ra cơ hội vươn xa nhanh chóng”, bà Lee chia sẻ.
Để sẵn sàng cho giai đoạn bùng nổ giáo dục trực tuyến như hiện nay cũng như đón đầu xu hướng tương lai, AWS EdStart hỗ trợ cho các công ty công nghệ giáo dục thông qua nhiều lựa chọn như cấp tín dụng khuyến mại để sử dụng môi trường điện toán đám mây, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để các Ed-Tech có thể kinh doanh giải pháp của mình. Các startup cũng có thể tìm kiếm giải pháp trên AWS Marketplace. Việc tham gia và làm thành viên của EdStart là miễn phí và AWS cũng không nhận cổ phần từ startup. Đổi lại, họ phải đáp ứng được các điều kiện như có tuổi thành lập không quá 5 năm, doanh thu hằng năm dưới 10 triệu USD, phải có giải pháp công nghệ sáng tạo để giải quyết thách thức của giáo dục đào tạo…
Bình luận (0)