Azerbaijan cáo buộc Pháp thúc đẩy chiến tranh thông qua việc bán vũ khí cho Armenia

22/11/2023 08:20 GMT+7

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 21.11 cáo buộc Pháp tạo điều kiện để các cuộc chiến tranh mới xảy ra ở khu vực Nam Kavkaz thông qua việc cung cấp vũ khí cho Armenia.

Pháp tháng trước cho biết họ đã phê duyệt các hợp đồng mới để cung cấp trang thiết bị quân sự cho Armenia, láng giềng bất hòa của Azerbaijan. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Aliyev đã lên án Paris một cách gay gắt thông qua bài phát biểu tại một hội nghị về phi thực dân hóa ở thủ đô Baku của Azerbaijan.

"Pháp gây bất ổn không chỉ cho các thuộc địa trong quá khứ và hiện tại mà còn cho cả khu vực của chúng tôi, Nam Kavkaz, bằng cách ủng hộ các xu hướng ly khai và những người theo chủ nghĩa ly khai", Reuters dẫn lời ông Aliyev phát biểu tại hội nghị diễn ra hôm 21.11.

"Thông qua việc trang bị vũ khí cho Armenia, quốc gia này (Pháp) thực hiện chính sách quân phiệt, khuyến khích các lực lượng phục thù ở Armenia và chuẩn bị nền tảng để khơi mào các cuộc chiến tranh mới tại khu vực của chúng tôi", ông nói.

Azerbaijan cáo buộc Pháp thúc đẩy chiến tranh thông qua việc bán vũ khí cho Armenia - Ảnh 1.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev

REUTERS

Trước những cáo buộc này, một nguồn tin ngoại giao Pháp cho biết Paris cùng với các đối tác châu Âu và Mỹ đang nỗ lực hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Nam Kavkaz, dựa trên các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và biên giới.

Armenia và Azerbaijan đã xảy ra hai cuộc chiến trong ba thập niên qua nhưng ông Aliyev giành được chiến thắng lớn vào tháng 9 khi giành lại quyền kiểm soát đối với vùng Nagorno-Karabakh của Azerbaijan, nơi người gốc Armenia chiếm đa số đã tuyên bố ly khai từ đầu những năm 1990. Hơn 100.000 người gốc Armenia ở vùng này đã chạy sang Armenia kể từ tháng 9.

Người gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh buông vũ khí, tìm đường ra đi

Azerbaijan hiện đang ở vị thế vững chắc để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình có lợi cho họ trong cuộc đàm phán với Armenia và ngày càng cứng rắn hơn với phương Tây, đặc biệt là Pháp và Mỹ, những quốc gia có cộng đồng người Armenia đông đảo và có thiện cảm với Yerevan.

Một nguồn tin ngoại giao Pháp tuần trước cho hay Paris đã yêu cầu Baku giải thích sau khi cơ quan an ninh mạng của Pháp phát hiện một chiến dịch xuất phát từ Azerbaijan nhằm làm suy yếu khả năng tổ chức Thế vận hội mùa hè tại Paris vào năm sau.

Nhấn mạnh sự xấu đi của mối quan hệ, ông Aliyev cho biết trong bài phát biểu hôm 21.11 rằng Pháp phải chịu trách nhiệm về "hầu hết các tội ác đẫm máu trong lịch sử thuộc địa của nhân loại".

Trong khi đó, quan hệ giữa Armenia và Nga tiếp tục căng thẳng. Các quan chức Armenia thông báo cả bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của nước này sẽ không tham dự hội nghị của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), nhóm sáu quốc gia thuộc Liên Xô cũ do Moscow dẫn dắt, vào ngày 22.11 tại thủ đô Minsk của Belarus. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng đã tuyên bố sẽ không tham dự.

Armenia là thành viên của CSTO và cho phép binh lính Nga đồn trú trên lãnh thổ của mình, nhưng đã công khai đặt câu hỏi về tính hữu ích của tổ chức này trước những thắng lợi của Azerbaijan trong tranh chấp giữa hai nước, khiến Moscow chỉ trích.

Đàm phán hòa bình

Một nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ lo ngại rằng Azerbaijan, sau khi chiếm lại vùng Karabakh, có thể cố gắng chiếm lãnh thổ ở miền nam Armenia với mục đích mở một hành lang tới vùng Nakhchivan biệt lập của Azerbaijan, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Armenia.

"Chúng tôi thực sự lo lắng về sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia", Reuters dẫn lời nhà ngoại giao.

Azerbaijan cho biết những lo lắng như vậy là vô căn cứ và họ đang hợp tác với Iran để thiết lập hành lang vận tải kết nối Nakhchivan thông qua lãnh thổ Iran.

Ông Hikmet Hajiyev, cố vấn của tổng thống Azerbaijan, nói với Reuters rằng Baku muốn đàm phán hòa bình song phương với Armenia và tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận nhanh chóng mà không cần sự hòa giải của phương Tây.

"Thỏa thuận hòa bình không phải là vấn đề vật lý hạt nhân. Nếu có thiện chí, các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận hòa bình có thể được thực hiện trong thời gian ngắn", ông cho biết.

Đối với câu hỏi về sự can dự của phương Tây, ông đáp: "Chúng tôi cần hòa bình trong khu vực của chúng tôi, không phải ở Washington, Paris hay Brussels".

Bộ Ngoại giao Azerbaijan cho biết các cuộc đàm phán với Armenia có thể diễn ra ở biên giới hai nước hoặc ở một địa điểm khác.

Nhiều năm nỗ lực hòa giải của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga vẫn chưa thể giúp hai nước láng giềng Nam Kavkaz đi đến một thỏa thuận hòa bình. Hai bên vẫn chưa đồng ý về việc phân định biên giới chung, khu vực vẫn bị đóng cửa và quân sự hóa cao độ. Các cuộc đụng độ ở biên giới, thường gây tử vong, vẫn thường xuyên xảy ra.

Azerbaijan, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong những tháng gần đây đã liên tục rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ và EU làm trung gian.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.