Văn phòng Tổng thống Azerbaijan hôm nay 20.9 cho nay trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Blinken ngày 19.9, Tổng thống Aliyev nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Azerbaijan sẽ kết thúc nếu lực lượng ly khai vùng Nagorno-Karabakh "hạ vũ khí", theo AFP.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong cuộc điện đàm nói trên, Tổng thống Aliyev "bày tỏ sẵn sàng" chấm dứt hành động thù địch và tổ chức một cuộc gặp với đại diện của Nagorno-Karabakh, theo Reuters. Ngoại trưởng Blinken cũng đã kêu gọi Azerbaijan "dừng ngay lập tức các hành động quân sự" và giảm căng thẳng.
Ông Blinken đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Aliyev lẫn Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, sau khi Azerbaijan ngày 19.9 điều binh sĩ được hỗ trợ bởi các cuộc tấn công bằng pháo binh vào vùng Nagorno-Karabakh, làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc chiến mới với nước láng giềng Armenia, theo Reuters.
Trong cuộc điện đàm, ông Blinken nói với ông Pashinyan rằng Armenia nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn của Washington.
Chuyện gì đang xảy ra giữa Armenia và Azerbaijan?
Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm nay tuyên bố rằng quân đội của họ "tiếp tục thành công" trong các hoạt động chống khủng bố" ở Nagorno-Karabakh, theo Đài RT. Bộ Quốc phòng Azerbaijan còn tuyên bố lực lượng Azerbaijan đã vô hiệu hóa các vị trí chiến đấu, xe quân sự, pháo binh và bệ phóng tên lửa phòng không, trạm tác chiến vô tuyến-điện tử và các thiết bị quân sự khác thuộc Armenia.
Trong khi đó, chính quyền Yerevan phủ nhận việc có bất kỳ lực lượng vũ trang nào của mình trong vùng Nagorno-Karabakh.
Chính quyền ly khai vùng Nagorno-Karabakh nói rằng 27 người đã thiệt mạng, trong đó có hai dân thường, và hơn 200 người bị thương, do các hoạt động quân sự ngày 19.9, theo Reuters. Họ cho biết thêm cư dân của một số ngôi làng đã được sơ tán.
Ông Ruben Vardanyan, cựu lãnh đạo chính quyền khu vực ly khai Nagorno-Karabakh, hôm nay nói với Reuters rằng gần 100 người đã chết và hàng trăm người bị thương trong khu vực sau khi Azerbaijan bắt đầu cái mà ông coi là một "cuộc chiến lớn".
Vào sáng sớm hôm nay, Moscow đã kêu gọi cả hai bên chấm dứt đổ máu cũng như hành động thù địch, và quay lại thực hiện thỏa thuận ngừng bắn năm 2020. Ngoài ra, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm nay cũng đã kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức giao tranh" ở Nagorno-Karabakh.
Vùng Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, vùng đất ly khai này có cư dân đa số là người Armenia và được chính quyền Yerevan hậu thuẫn. Azerbaijan giành lại nhiều vùng tại Nagorno-Karabakh và xung quanh đó sau cuộc chiến năm 2020.
Bình luận (0)