Ngày 27.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo.
Trong bản luận tội trước đó, ông Trịnh Văn Quyết là người bị đề nghị mức án cao nhất, 24 - 26 năm tù về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Cùng 2 tội danh này, 2 bị cáo là em gái ông Quyết cũng bị đề nghị mức án cao, gồm Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC, 17 - 19 năm tù và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS, 10 - 12 năm tù.
Chỉ làm theo chỉ đạo của anh trai
Theo cáo buộc của viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế là người thực hành tích cực, giúp sức anh trai trong cả 2 hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng và thao túng chứng khoán thu lợi bất chính hơn 700 tỉ đồng.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Huế thừa nhận các hành vi liên quan đến việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) cũng như thao túng giá 5 mã cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" FLC. Tuy vậy, bà Huế cho hay đều làm theo chỉ đạo của anh trai Trịnh Văn Quyết, cá nhân không hưởng lợi gì.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư cũng cho rằng trong gia đình, ông Quyết là anh, bà Huế là em; trong công ty, ông Quyết là chủ tịch, người có quyền quyết định cao nhất. Bởi vậy, việc bị cáo nghe theo chỉ đạo của anh trai cũng là một phần của công việc. Trường hợp không thực hiện, công việc đó có thể sẽ giao cho người khác.
Đối với hành vi nâng khống vốn Công ty Faros, luật sư nói bà Huế không có thẩm quyền quyết định toàn bộ quá trình này, mà chỉ là người thực hành, đóng vai trò một phần trong chuỗi các hành vi sai phạm.
Vẫn theo luật sư, bị cáo Huế tuy thực hiện hành vi nhưng không được biết về các hệ quả pháp lý và rủi ro có thể xảy ra, đó là chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán rồi bán cho nhà đầu tư. Do đó, vai trò của bị cáo chỉ là đồng phạm thực hành, giúp sức giản đơn cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Luật sư còn nêu một số tình tiết giảm nhẹ, mong hội đồng xem xét giảm nhẹ cho thân chủ. Trong đó, bị cáo Huế bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu, quá trình giải quyết vụ án đã ăn năn, hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả với tổng số tiền đã nộp là 300 triệu đồng.
Xin cơ hội trở về sau phiên tòa
Người em gái còn lại của ông Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga cũng bị cáo buộc đồng phạm giúp sức cho anh trai ở cả 2 hành vi phạm tội.
Trong phần xét hỏi, bà Nga dù cũng thừa nhận các hành vi sai phạm nhưng cho rằng chỉ làm theo chỉ đạo của ông Quyết, cá nhân không được hưởng lợi gì ngoài tiền lương hàng tháng.
Tham gia bào chữa cho bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga, luật sư cho rằng mức án đại diện viện kiểm sát đề nghị với thân chủ của mình là quá nghiêm khắc.
Khẳng định không kêu oan, kêu sai, luật sư nói bị cáo Nga chỉ có mong muốn được hội đồng xét xử xem xét toàn diện vụ án, bối cảnh phạm tội cũng như các tình tiết liên quan, để giảm nhẹ tối đa mức hình phạt.
Luật sư của bà Nga nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ. Tại phiên tòa, bị cáo tự nguyện nộp thêm 100 triệu đồng, nâng tổng số tiền đã nộp để khắc phục hậu quả lên 200 triệu đồng dù bản thân chỉ là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi.
Bà Nga còn tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, có cha chồng là thương binh, bản thân có sức khỏe yếu, nhiều bệnh nền, cần được điều trị y tế.
Luật sư còn cho hay, gia đình bị cáo có ba anh em đều vướng lao lý, nay không còn ai thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ.
Gia đình chồng bị cáo Nga cũng có đến 4 người con trai, gái, dâu, rể (gồm bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Thị Thúy Nga, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Thị Hồng Dung) bị truy tố và xét xử. Cha chồng bị cáo vì suy nghĩ, đau buồn trong nhiều tháng nên mới đây đã qua đời.
Từ những căn cứ đã nêu, luật sư mong hội đồng xét xử cân nhắc, cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt. Bởi lẽ, gần 900 ngày cách ly khỏi xã hội đã đủ sức răn đe, giáo dục, xin cho bị cáo cơ hội trở về sau phiên tòa này.
Bình luận (0)