Người lao động được bảo vệ việc làm khi đứng ra tố cáo |
THU HẰNG |
Bảo vệ người lao động khi thực hiện tố cáo
Theo Thông tư 09/2021/TT-BLĐBXH sửa đổi, bổ sung Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH về việc bảo vệ việc làm của người tố cáo là người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động, áp dụng từ ngày 1.11.
Nếu như trước đây, Thông tư 08 chỉ quy định về văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm, thì theo Thông tư 09, vấn đề bảo vệ việc làm cho NLĐ thực hiện tố cáo áp dụng theo quy định tại mục 2, Chương VI, luật Tố cáo.
Cụ thể trình tự, thủ tục bảo vệ NLĐ tố cáo được quy định rõ, khi người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ thì văn bản đề nghị phải có các nội dung sau: ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ; lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Trong trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp. Đặc biệt, phải bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Để tránh trường hợp NLĐ bị trù dập, phân biệt đối xử, các cơ quan, đơn vị cần có các biện pháp bảo vệ việc làm, trong đó xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ; đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Về trách nhiệm của tổ chức đại diện NLĐ trong bảo vệ người tố cáo, Thông tư quy định rõ, trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ thì ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban lãnh đạo của tổ chức mà NLĐ tham gia tại doanh nghiệp phải có ý kiến bằng văn bản với người sử dụng lao động, đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ và báo cáo tổ chức đại diện cấp trên trực tiếp của NLĐ (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.
Thông tư 09 cũng bỏ quy định về quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của UBND các cấp.
Hạn cuối để gửi danh sách NLĐ nhận hỗ trợ Covid-19
Sau gần 1 tháng triển khai chính sách hỗ trợ Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (gói hỗ trợ 38.000 tỉ đồng) theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28, tính đến ngày 26.10, đã có hơn 5,1 triệu lao động được giải quyết chế độ, với tổng số tiền hỗ trợ là 12.369 tỉ đồng.
Theo hướng dẫn tại Quyết định 28, ngày 20.10 là hạn cuối để cơ quan BHXH gửi danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng cho doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông tin. Ngày 10.10 là hạn chót để doanh nghiệp gửi lại danh sách đã được điều chỉnh thông tin của NLĐ cho cơ quan BHXH.
Những NLĐ đúng thông tin sẽ được trả tiền hỗ trợ trong tối đa 10 ngày từ ngày doanh nghiệp gửi lại danh sách cho cơ quan BHXH. Những người có sai sót về thông tin thì thời gian nhận hỗ trợ lên đến 20 ngày.
Như vậy, nếu cơ quan BHXH và doanh nghiệp thực hiện đúng thủ tục nêu trên thì chậm nhất là vào khoảng ngày 30.11, NLĐ tại các doanh nghiệp sẽ nhận được tiền hỗ trợ.
Sau ngày 30.11, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (thì phải tự làm thủ tục theo 3 cách: đăng ký qua ứng dụng VssID; qua Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam, hoặc đến làm trực tiếp tại cơ quan BHXH. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến ngày 20.12.2021.
Lương viên chức khúc xạ nhãn khoa từ 3,48-7,42 triệu đồng/tháng
Theo Thông tư 14 của Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa có hiệu lực từ 1.11.2021, viên chức khúc xạ nhãn khoa hạng 3 làm việc trong các cơ sở y tế công lập có mã số nghề nghiệp là V.08.11.30.
Chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa hạng 3 được áp dụng bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 (mức lương tương ứng là 3,48 triệu đồng/tháng đến 7,42 triệu đồng/tháng).
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế sang chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa quy định tại Thông tư 14 được thực hiện theo hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức của Bộ Nội vụ.
Bình luận (0)