Bà Đào Hồng Lan: 'Cơ chế tài chính là điểm vướng của ngành y'

08/09/2022 21:58 GMT+7

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, vấn đề tài chính ngành y, cũng như xã hội hóa, hợp tác công tư phải nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa một cách tổng thể.

Ngày 8.9, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dành cả buổi chiều cho ý kiến về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) dự kiến thông qua tại kỳ họp 4 vào tháng 10 tới.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình tại Quốc hội chiều 8.9

gia hân

Liên quan tới vấn đề tài chính ngành y, giải trình cuối phiên thảo luận, Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, "là điểm vướng, còn khó khăn, vướng mắc của ngành y".

"Rất nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc đã được bộc lộ trong quá trình triển khai thực hiện ở các cơ chế về tài chính của ngành y tế", bà Lan nói.

Theo bà Lan, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trên cơ sở rà soát lại những nội dung gì mà các luật chuyên ngành như luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp, luật Đấu thầu, luật PPP, hay luật Giá… đã cũng như tính chất đặc thù của ngành y để quy định những nội dung tổng quát nhất trong dự án luật Khám, chữa bệnh sửa đổi.

“Liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính của ngành y cũng như các vấn đề còn nhiều ý kiến như xã hội hóa, hợp tác công tư… phải có nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa một cách tổng thể nhất để làm sao cụ thể hóa trong nội dung dự án luật này ở mức độ, hình thức phù hợp”, bà Lan nói và cho rằng, đây là nội dung quan trọng và nếu xử lý được sẽ giúp định hướng để giải quyết căn cơ, bài bản cả về tài chính, lẫn chuyên môn y tế.

Về giá khám, chữa bệnh, bà Lan cho rằng, nên đưa vào luật Khám, chữa bệnh sửa đổi những định hướng vì sẽ đồng bộ với việc sửa đổi luật Giá, từ đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho giá khám, chữa bệnh. Những định hướng lớn giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các nghị quyết của Đảng đã rất rõ.

“Chúng ta có lộ trình tính đúng, tính đủ để đáp ứng được yêu cầu chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo ổn định vĩ mô cũng như đáp ứng được mức chi trả của người dân. Tuy nhiên, đây là nội dung đi chậm hơn so với các chính sách khác, tạo ra áp lực cho các bệnh viện trong quá trình thực hiện chế độ tự chủ”, bà Lan nói và khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan vấn đề giá khám, chữa bệnh để thể hiện cụ thể nhất trong dự luật.

Đề nghị lùi thông qua luật Khám, chữa bệnh sửa đổi

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị lùi thời gian xem xét thông qua dự án luật do còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, cần phải đánh giá tác động.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cũng cho biết, do đây là đạo luật “xương sống” của ngành y, cần xem xét thận trọng, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc việc xem xét, thông qua dự luật theo quy trình 3 kỳ họp, tức thông qua vào kỳ họp thứ 5, tháng 5.2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.