Cháu trai chưa một lần được duỗi thẳng chân
“Nhà tôi 4 tầng, to cao nhất khu này”, bà Phạm Thị Tuyết (70 tuổi, trú P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa, Hà Nội) cười khi nhắc lại lời trêu đùa của những người dân trong con ngõ 241 Đê La Thành (P.Ô Chợ Dừa) khi nói về nhà mình.
Thực tế, ngôi nhà chỉ có diện tích vỏn vẹn 4 m2, mọi sinh hoạt của gia đình hết sức khó khăn, bất tiện, bữa ăn phải chia làm 2 lần. Đặc biệt, vào mùa hè, ngôi nhà càng trở nên bí bách, nóng nực.
Bà Tuyết ngồi trước quầy tạp hóa vài mét vuông |
quang huy |
Căn nhà của bà Tuyết không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi, tủ lạnh cũ. Tầng 1 gồm khu bếp, nhà tắm, vệ sinh và quầy tạp hóa nhỏ để bàn kiếm đồng ra đồng vào. Do diện tích hạn chế, có ngày, các thành viên xếp hàng đợi đến lượt đi vệ sinh hoặc không sẽ sử dụng tạm nhà vệ sinh công cộng cách nhà mấy chục mét.
Để di chuyển qua các tầng, mỗi người phải ngó nghiêng, quan sát thật kỹ rồi "chui" vừa lọt qua chiếc cầu thang bằng gỗ. Ấy vậy mà bà Tuyết vẫn tự hào, cả gia đình 4 người vẫn sống khoẻ trong ngôi nhà 4 m2.
“Cháu tôi cao 1,78 m, chưa một lần được duỗi thẳng chân khi ngủ nhưng cháu vẫn vừa học, vừa làm việc, sinh hoạt trong ngôi nhà này”, bà Tuyết nói.
Gần 20 năm sống trong ngôi nhà chật chội, bà Tuyết trải qua không ít những biến cố cuộc đời, để rồi giờ đây, khi đã ở tuổi 70, một mình bà vẫn phải gồng gánh nuôi 4 miệng ăn.
Bà Tuyết kể, bà từng là giảng viên Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Chồng bà là bộ đội, sau khi về hưu thì làm nghề lái xe. Hai ông bà có 2 người con, 1 trai, 1 gái. Nhiều năm trước, trong một lần lái xe chở tôn, chồng bà Tuyết phanh gấp khiến 6 người thợ bốc vác bị tôn đè trúng phải nằm viện. Vì vậy, ông bà phải chịu mọi chi phí, chăm nuôi 6 người thợ đó trong suốt 3 tháng trời.
Lúc này, mọi của cải trong nhà bán hết cũng không đủ chi trả, bà Tuyết phải đứt ruột bán đi căn nhà 70 m2 mà mình tự tay gây dựng và bắt đầu chuyển đến căn nhà 4 m2.
Sau này, cuộc sống dần ổn định trở lại, con trai bà Tuyết kết hôn và sinh được 2 cháu. Năm 2008, bà Tuyết về hưu, mở hàng tạp hóa mưu sinh dưới tầng một, thỉnh thoảng chạy chân phục vụ bàn ở nhà hàng kiếm thêm thu nhập.
Khu vực tầng 1 là nơi vừa nấu ăn, vệ sinh, tắm giặt, sinh hoạt của gia đình bà Tuyết |
Quang Huy |
Khi cháu Trang lên 4 tuổi, con dâu bà Tuyết ôm 2 cháu nói rằng về ngoại, nhưng thực chất bỏ đi biệt tích. Sau thời gian tìm kiếm không có kết quả, bỗng một ngày, bà Tuyết nhận điện thoại báo 2 cháu đang ở Trà Vinh. Một mình bà lặn lội vào miền Nam, đón 2 đứa trẻ ra Bắc.
Hai năm sau, con dâu lại ngỏ ý muốn đón con gái về sống cùng. Nghĩ thương cháu thiếu thốn tình cảm của mẹ, bà Tuyết đồng ý. Nhưng được 1 năm, người phụ nữ tiếp tục bỏ lại con cho bố mẹ đẻ rồi bỏ đi. Bà nội lại ngược xuôi đón cháu về đùm bọc và chăm sóc. Từ đó đến nay, con dâu liên lạc cho bà duy nhất 1 lần.
"Cách đây 2 năm, nó điện về muốn ly hôn với chồng, tôi bảo con về đây nhưng nó ngại và nhắc đến tiền. Tôi bảo có cần tiền đâu, nếu cần tôi đã không nuôi các cháu khôn lớn như thế", bà Tuyết nói và cho biết, sau cuộc gọi đó, con dâu cắt luôn liên lạc.
Tai họa liên tiếp ập xuống, một mình gồng gánh nuôi con cháu
Đến năm 2014, một lần nữa tai họa tiếp tục ập đến với gia đình khi con trai bà Tuyết bị tai biến, mất khả năng lao động. Năm 2019, chồng bà lại phát hiện mắc căn bệnh ung thư phổi. Chạy chữa hơn 1 năm thì ông qua đời.
“Khi ông nội chúng còn khỏe, dự định năm nay sẽ đưa 2 đứa nó về thăm ông bà ngoại. Chưa kịp thực hiện lời hứa với cháu thì ông đã đi rồi”, bà Tuyết ngậm ngùi.
Bà Tuyết đăm chiêu khi kể về tai họa liên tiếp ập xuống gia đình |
quang huy |
Cũng từ đó, một mình bà gồng gánh mọi việc, lo cho con trai và 2 đứa cháu nội. Tất cả mọi chi tiêu trong gia đình trông chờ vào hơn 5 triệu đồng tiền lương hưu của bà và số tiền ít ỏi từ quán tạp hóa. Cuộc sống dù nghèo khổ, khó khăn nhưng bà Tuyết không phụ thuộc hay dựa dẫm vào tình thương của những người xung quanh.
“Ngày xưa chồng tôi còn sống thì không đến mức khó khăn thiếu thốn như này. Dù vậy, tôi vẫn hài lòng với cuộc sống. Tôi vẫn tự hào từ lúc khó khăn, tôi chưa bao giờ ngửa tay xin ai cái gì, tự mình tôi phải cố gắng vượt qua để nuôi con, nuôi cháu”, bà Tuyết nói.
Bà tâm sự, lo nhất vẫn là 2 đứa cháu, cháu trai năm nay đã lên lớp 12, dự định thi vào Trường đại học Công nghệ - nơi bà nội từng công tác. Cháu gái học kém hơn, bà đang hướng cho có thể học hết cấp 3 rồi đi làm.
Bà Tuyết leo lên khu vực ngủ nghỉ trên tầng 2 |
quang huy |
Cách đây mấy năm, bà Tuyết từng bật khóc với nỗi trăn trở không thể tổ chức một buổi tiệc sinh nhật cho 2 cháu vì căn nhà quá bé, bạn bè cháu không đến chơi được. Mong ước này đã được chương trình Điều ước thứ 7 của VTV bí mật thực hiện hồi tháng 10.2021. Trên sóng truyền hình, 3 bà cháu cùng thổi nến, cùng khóc vì xúc động.
Giờ đây, bà Tuyết đã hài lòng với cuộc sống của mình. Bà chỉ mong còn sức sức khoẻ để nuôi các cháu ăn học, lớn lên các cháu sẽ đi làm và nuôi lại bố các cháu.
“Tài sản lớn nhất của tôi là những đứa cháu ngoan, học hành đến nơi đến chốn. Tôi không mong mỏi gì hơn bằng việc các cháu học ra có nghề nghiệp ổn định để thay đổi cuộc sống”, bà Tuyết tâm sự.
Lãnh đạo P.Ô Chợ Dừa (Q.Đống Đa, Hà Nội) xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Phạm Thị Tuyết. Theo lãnh đạo UBND P.Ô Chợ Dừa, gia đình bà Tuyết đang được hưởng chế độ hộ cận nghèo của phường. Trong các dịp lễ, tết, dịch bệnh, chính quyền địa phương và đoàn thể hỗ trợ đầy đủ cho gia đình.
Bình luận (0)