Bà Hà ‘ba trăm ngàn'

25/01/2020 15:36 GMT+7

Bà Hà mở tờ Thanh Niên , đọc xong câu chuyện “ lá lành đùm lá rách ”, bà dắt chiếc xe Cub 50 ra, chạy thẳng tới một ngân hàng trên đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp (TP.HCM).

Đúng 8 giờ, cô nhân viên ngân hàng thấy gương mặt khách hàng quen thuộc, đưa cho bà tờ giấy chuyển tiền. Trong phút chốc, 300.000 đồng đã được chuyển tới số tài khoản của Báo Thanh Niên, ghi rõ số tiền gửi tặng hoàn cảnh nào, số báo bao nhiêu.
8 giờ 10 phút, bà Hà đã ngồi uống nước vối nóng trên chiếc ghế dài trước nhà, mường tượng ra một đứa nhỏ sẽ có thêm tiền mua thuốc cho mẹ, hoặc một cô học trò nghèo có thêm tiền mua tập vở, bút cho học kỳ mới.
Dễ động lòng trắc ẩn trước những số phận nhiều thiệt thòi, bà Hà nhiều lần gặp những hoàn cảnh éo le, nước mắt cứ chảy dài và suy nghĩ mãi, vì sao người nghèo quanh mình còn nhiều quá. Cụ già tàn tật lết từng bước trong khu chợ đi bán vé số, những người dân nghèo sống chen chúc trong căn nhà nhỏ xíu để cùng nhau làm nghề ngắt lá rau muống, tằn tiện từng bữa qua ngày. Những số phận cứ ám ảnh mãi trong tâm trí bà Hà, không dứt ra được.
“Tôi có một cuốn sổ nhỏ, ghi trong đó tất cả những trường hợp mình đã ủng hộ, số báo bao nhiêu, đi ủng hộ ngày nào.Để xem lại xem mình có quên, bỏ sót ai không thì tội nghiệp, chứ không phải để làm gì khác. Tôi không nghĩ mình làm được gì lớn lao, chỉ nghĩ rằng món quà nhỏ của mình cũng có thể cho ai đó mấy bữa cơm ấm bụng, thêm vỉ thuốc uống lúc họ đau bệnh”, bà Hà bộc bạch
Mọi người quen biết bà là Nguyễn Thị Hà, 65 tuổi, cán bộ Công ty nạo vét đường thủy 2 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nghỉ hưu. Mấy cô trong ngân hàng trêu bà là “bà Hà ba trăm ngàn”, bởi
5 năm nay, đọc Báo Thanh Niên thường xuyên, thấy trường hợp khó khăn nào đăng báo bà cũng ra ngân hàng ủng hộ 300.000 đồng. Còn chúng tôi, thích gọi bà là “bà tiên” của những hoàn cảnh kém may mắn.
Bên ly nước vối ấm nóng, giọng bà Hà trầm lắng: “Trước năm 2014, tôi có ủng hộ nhiều hoàn cảnh khó khăn, người 2 triệu, người 5 triệu, có lúc tôi tới Bệnh viện Ung bướu thành phố ủng hộ cho những em nhỏ bị ung thư ở đó 10 triệu đồng. Hay lúc tôi nhận được tiền bồi thường sau khi giải tỏa căn nhà cũ, tôi tới Viện Tim ủng hộ bệnh nhân cũng 10 triệu đồng. Nhưng tôi nghĩ, mình vỏn vẹn ít tiền lương hưu, nếu mình muốn ủng hộ thật nhiều hoàn cảnh, và thật lâu dài, thì mỗi người mình ủng hộ đồng đều và bằng nhau là 300.000 đồng”.
Bà Hà sinh ra và lớn lên ở Gò Vấp, trong gia đình đông anh chị em, nhưng được cha mẹ thương yêu, cho ăn học đủ đầy. Xuyên suốt trong hơn 30 năm công tác của mình, bà chỉ làm duy nhất ở Phòng Tổ chức nhân sự Công ty nạo vét đường thủy 2. Gặp được chồng cùng công ty, vợ chồng bà cùng gắn bó, chia ngọt sẻ bùi, vượt qua mọi biến cố, cùng có với nhau một cô con gái.
Sau tai nạn giao thông năm 27 tuổi khiến tổn thương xương sống, sức khỏe bà Hà từ đó yếu đi. Cho đến ngày hôm nay, bà bị huyết áp cao, đi lại khó khăn, mỗi năm phải đi thăm khám, điều trị nhiều ngày.
Tuy nhiên, dù có làm gì, thì điều trước tiên bà Hà vẫn trăn trở “mình đã đọc Báo Thanh Niên hôm nay chưa. Mình đã ủng hộ tiền chưa?”.
Bà Hà có một tâm niệm, bên cạnh ủng hộ những trường hợp khó khăn thì làm sao có thể ủng hộ cho những em bé bị bệnh tim bẩm sinh, giúp các em được phẫu thuật để có một trái tim khỏe mạnh, để em có một cuộc đời như các bạn. Do đó, mấy năm trở lại đây, ngày nào bà cũng “bỏ ống heo” một chút, để dần dần quỹ này sẽ chạm tới mốc 100 triệu đồng.
Bà tâm sự: “Tết nào cũng thế, tôi cứ nghĩ và ước mong, giá như cuộc sống quanh mình không còn ai khổ đau, bất hạnh, ai cũng được may mắn, được yêu thương. Hạnh phúc là cho đi. Tôi còn khỏe ngày nào, còn mong lan tỏa được nhiều yêu thương cho những người bên mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.