Dấu ấn lịch sử
Trong bài phát biểu tại DNC, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chấp nhận đề cử của đảng Dân chủ để bước vào cuộc đấu song mã với đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong tháng 11 tới. Với động thái trên, bà Kamala Harris chính thức ghi tên mình vào lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ khi là người phụ nữ da màu và gốc Á đầu tiên nhận được đề cử của đảng Dân chủ trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng.
Trở thành ứng cử viên tổng thống, bà Harris cam kết bảo vệ nước Mỹ, kêu gọi chấm dứt xung đột Gaza
Tại DNC, bà Harris trình bày hùng hồn về tương lai và sự phát triển của nước Mỹ. Theo đó, Phó tổng thống tuyên bố rằng cuộc bầu cử sắp tới là "một cơ hội quý giá để vạch ra một con đường mới" cho tương lai nước Mỹ. Ứng viên Harris cam kết sẽ trở thành vị tổng thống của toàn thể người dân Mỹ, đặt đất nước cao hơn đảng phái và giữ vững những nền tảng cơ bản nhất của quốc gia. Theo CNN, bà Harris cũng khẳng định nước Mỹ không chia rẽ như mô tả của ông Trump, đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết và thống nhất.
Với những diễn ngôn đanh thép trên, bà Harris không chỉ thể hiện nỗ lực định nghĩa bản thân và tương lai nước Mỹ, mà còn thổi luồng gió mới và tạo hiệu ứng dư luận ủng hộ mạnh mẽ cho đảng Dân chủ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui. Nếu chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử tới đây, bà Harris sẽ một lần nữa viết lên dấu ấn lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Định hình chính sách
Trong bài phát biểu mang tính lịch sử tại DNC, bà Harris cam kết ủng hộ mạnh mẽ cho cả Ukraine và các đồng minh NATO. Liên quan tình hình căng thẳng ở Trung Đông, Phó tổng thống Harris cam kết bảo vệ Israel, đưa các con tin trở về nhà và chấm dứt xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, những phát ngôn trên của bà Harris chưa thể xoa dịu những người ủng hộ Palestine khi hàng ngàn người vẫn tụ tập bên ngoài địa điểm tổ chức DNC để phản đối việc Mỹ ủng hộ Israel tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Theo CNN, đây là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất trong lực lượng ủng hộ đảng Dân chủ.
Về chính sách kinh tế, bà Harris chỉ trích ông Trump vì không đấu tranh cho tầng lớp trung lưu, không có kế hoạch tăng thuế với người giàu và ủng hộ việc chấm dứt quyền phá thai của phụ nữ. Trên đà đó, bà Harris tung loạt chính sách tương phản với ông Trump như cắt giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, đấu tranh cho quyền phá thai, tăng nguồn cung nhà ở và cấm tình trạng thổi giá hàng hóa thiết yếu.
Ông Walz chấp nhận đề cử Phó Tổng thống của đảng Dân chủ
Liên quan tình trạng nhập cư, bà Harris lưu ý rằng đảng Dân chủ đã cùng các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội soạn thảo một dự luật lưỡng đảng, giúp giải quyết vấn đề này. Bà nhấn mạnh cam kết "đem lại dự luật an ninh biên giới lưỡng đảng" và khẳng định bà sẽ ký ban hành thành luật nếu đắc cử tổng thống.
Ông Trump nêu chính sách nhập cư
Trong chuyến thăm biên giới Mỹ - Mexico ở Montezuma Pass thuộc tiểu bang Arizona vào ngày 22.8, ông Donald Trump dọa sẽ áp thuế cao đối với các quốc gia không chấp nhận người nhập cư bị trục xuất khỏi Mỹ nếu ông thắng cử tổng thống vào tháng 11 tới, đồng thời chỉ trích cách xử lý vấn đề nhập cư của bà Harris. Theo Bloomberg, động thái này được xem là một nỗ lực giành ưu thế tại tiểu bang Arizona, nơi vào năm 2020 ông Trump thua hơn 10.000 phiếu bầu so với ứng viên đảng Dân chủ bấy giờ là ông Biden.
Bình luận (0)