Ba hay mẹ là người thủ vai 'ác' trong nhà?

19/03/2016 11:12 GMT+7

Dường như trong mỗi gia đình đều có một người được phân công đóng vai “ác” để răn đe con cái.

Dường như trong mỗi gia đình đều có một người được phân công đóng vai “ác” để răn đe con cái.

Người đó có thể là cha với vẻ mặt luôn tỏ ra nghiêm khắc, ít nói ít cười. Người đó cũng có thể là mẹ với bộ mặt “lạnh như tiền” hoặc miệng luôn la mắng, quát tháo suốt ngày.
Thậm chí đôi khi còn là ông bà nội ngoại - những người có khoảng cách tuổi tác khá xa với con cháu, tính tình khó chịu, khó hiểu, khiến con cháu khó gần và luôn thấy sợ sệt…
Vai diễn bất đắc dĩ
Đặc thù của vai này là sự nghiêm khắc và cứng rắn đối với trẻ. “Vai ác” thường có những nguyên tắc cụ thể trong việc ứng xử và giải quyết những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của trẻ, không chiều chuộng trẻ vô điều kiện, thường đặt ra yêu cầu cao và áp đặt trẻ làm theo. Vì lỡ mang tiếng “ác”, nên người thủ vai này buộc phải có lập trường vững vàng và khi trẻ phạm sai lầm thường có xu hướng dùng những biện pháp mạnh để “xử”.
Thông thường, trong nhiều gia đình, “vai ác” do người mẹ đảm trách. Tuy là “vai ác” nhưng về bản chất người đóng vai “ác” chỉ có mục đích mong muốn điều tốt đẹp cho con. Thế nhưng dưới mắt của con trẻ, liệu chúng có hiểu được phụ huynh đang muốn điều tốt đẹp cho mình?
Chị Tr.T.T ở Q.Gò Vấp (TP.HCM) bộc bạch, từ ngày cậu con trai út được 3 tuổi đến nay, tự nhiên từ một người mẹ hiền từ, chị bỗng biến thành bà… phù thủy lúc nào không hay. “Hai anh em đứa 5 tuổi, đứa 3 tuổi như chó với mèo, suốt ngày gây lộn. Lúc đầu cùng nhau chơi rất vui, nhưng được một lúc thể nào cũng xảy ra cự cãi, thậm chí cấu xé, đánh nhau.
Nếu chúng không gây nhau thì phối hợp quậy banh nhà. Bực bội không thể tả”. Lúc đó, để dẹp loạn, ba tụi nhỏ chỉ cần nói: “Mẹ về kìa!” hay: “Muốn ba kêu mẹ xử lý không?!” là tụi nhỏ im thin thít, không dám hó hé. Cứ vậy, đâm ra trong mắt con, chị T. chẳng khác nào... bà chằn. Thậm chí, muốn mua đồ chơi hay bất cứ thứ gì, tụi nhỏ cũng không dám xin mẹ mà chỉ thủ thỉ, nịnh nọt ba, bởi chúng biết mẹ dễ gì đồng ý với những yêu sách của chúng. Riết rồi đâm ra hai đứa con chị T. ít khi gần gũi mẹ, đôi khi chúng còn sợ mẹ như sợ… cọp.
Tuy nhiên, thấy con có ý thức kỷ luật và ít nhiều tỏ ra e dè khi muốn nổi loạn, chị T. cảm thấy việc đóng “vai ác” của mình cũng không đến nỗi tệ. Theo chị T., trong nhà ít ra phải có người để con sợ, kẻ đấm người xoa, chứ ai cũng ôn tồn nhỏ nhẹ rất khó dạy con.
Nỗi niềm bà mẹ… cọp
Nói đi cũng phải nói lại, khi được giao vai “dữ”, nhiều bà mẹ cảm thấy rất chạnh lòng. “Hình như con ngày càng có khoảng cách với mình. Những khi thấy cha con thủ thỉ trò chuyện với nhau, tôi thấy ganh tị ghê luôn. Mặc dù con vẫn nói chuyện với mẹ, đi thưa về trình rất đúng bài bản, trả lời đúng các câu hỏi của mẹ, nhưng hình như tôi vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó, phải chăng đó là sự chia sẻ, nồng ấm của tình mẫu tử” - chị N.K.L có hai con: một trai, một gái ở quận Đống Đa (Hà Nội) tâm tư.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nghiêm khắc góp phần hình thành nên tính cách tốt cho trẻ, nhưng khi nhận vai này chớ nên quá… nhập tâm. Một số bậc phụ huynh vô tình “diễn quá sâu” vai “mẹ mìn” trong một thời gian dài dẫn đến bản thân tính cách của họ cũng thay đổi theo chiều hướng này.
Họ ngày càng trở nên hà khắc, cộc cằn. Hoặc khi “quá lố”, không kiểm soát, họ dần đánh mất đi và không biết cách thể hiện tình yêu thương với con cái, vô tình gây ác cảm và tổn thương cho con. Nhiều người trưởng thành đem theo dấu ấn về những cảm xúc tiêu cực với cha mẹ suốt cuộc đời. Họ cho rằng cha mẹ không thương yêu mình, và điều đó đôi khi ảnh hưởng đến cách làm cha mẹ của họ sau này.
Vì thế, khi chọn diễn “vai ác”, các bậc phụ huynh cần ý thức được vai mình đang đóng để tiết chế cho vừa phải, không diễn lố, thể hiện vai đa dạng, tránh để trẻ “lờn thuốc”, đồng thời phải biết cách phối hợp với các thành viên khác trong gia đình để vai diễn được tròn cũng như linh hoạt và mềm dẻo trong các tình huống xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.