Ba kịch bản cho cuộc khủng hoảng Ukraine

21/02/2022 07:07 GMT+7

Theo các chuyên gia và nhà phân tích, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể tiếp diễn theo 3 hướng, tùy thuộc vào phản ứng của các biên liên quan.

Giảm leo thang nhờ chìa khóa nhượng bộ

Chuyên gia Matthew Ore của công ty theo dõi rủi ro RANE (Mỹ) cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là khủng hoảng Ukraine sẽ không tiếp tục leo thang, nhưng cũng không nhanh chóng hạ nhiệt. Với việc Nga muốn phương Tây đưa ra đảm bảo an ninh, mà cụ thể là không để Ukraine gia nhập NATO, và buộc Kiev thực hiện thỏa thuận Minsk, khủng hoảng sẽ tiếp diễn.

Các quân nhân Ukraine trên chiến tuyến gần làng Zaitseve ở khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine ngày 19.2

Reuters

Tuy nhiên, mức độ căng thẳng sẽ không tăng lên. Bằng chứng đầu tiên là Bộ Quốc phòng Nga tuần trước đã thông báo về việc rút một số lực lượng đang đóng gần biên giới Ukraine về căn cứ sau khi hoàn thành tập trận, theo AFP. Trong các cuộc họp với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh việc tiếp tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này.

Vì vậy, nếu các cuộc hội đàm giữa Nga với Mỹ và châu Âu có thể dẫn đến sự nhượng bộ nào đó, khủng hoảng có thể kết thúc mà không cần đến một cuộc chiến. Sự nhượng bộ này có thể là một thỏa thuận quốc tế về trạng thái trung lập của Ukraine và nước này sẽ không bao giờ gia nhập NATO, một biện pháp được gọi là “Phần Lan hóa” theo tình trạng của Phần Lan thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Putin phát động tập trận hạt nhân

Ngay cả khi không viết ra “giấy trắng mực đen” rằng Ukraine không được gia nhập NATO, một lời đảm bảo không chính thức từ liên minh này cũng có thể giúp Nga xuống thang căng thẳng mà vẫn giữ được thể diện trên trường quốc tế. Tuy vậy, Nga vẫn sẽ kiên quyết yêu cầu Ukraine thực thi thỏa thuận Minsk. Việc hồi sinh và triển khai thỏa thuận Minsk sẽ buộc Ukraine phải trao quyền tự trị cho các khu vực ly khai và tổ chức bầu cử ở những nơi này.

Xung đột tăng cao ở Donbass

Ông Ore nhận định nếu Nga xác định yêu cầu về an ninh hay việc thực hiện thỏa thuận Minsk không được đảm bảo, Moscow có thể sẽ tìm các biện pháp khác để thúc đẩy Washington và Kiev nhượng bộ. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng tại Donbass leo thang.

Những ngày gần đây, xung đột tại vùng Donbass ở miền đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ và phe đòi ly khai liên tục diễn biến phức tạp. AFP đưa tin nhóm quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 19.2 thông báo số vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn là hơn 1.500 vụ, cao nhất trong năm nay. Trong đó, cả hai bên đều tố cáo nhau vi phạm.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), nếu quân đội Ukraine phản ứng mạnh mẽ trước những cuộc pháo kích của phe ly khai, Nga có thể đưa “lực lượng gìn giữ hòa bình” đến các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk. Moscow có thể sẽ từ chối rút quân cho đến khi các cuộc đàm phán hòa bình kết thúc thành công và Kiev đồng ý thực hiện thỏa thuận Minsk.

Ukraine chỉ trích Nga bóp méo thoả thuận Minsk

Nga luôn phủ nhận việc nước này can dự vào tình hình ở miền đông Ukraine. Moscow cũng khẳng định cuộc chiến ở Donbass là xung đột nội bộ của Ukraine và không có binh sĩ Nga nào hiện diện ở đây. Tuy nhiên, AFP đưa tin Tổng thống Putin vào tháng 12.2021 gọi xung đột ở Donbass là một cuộc diệt chủng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng kêu gọi bảo vệ 600.000 người đã nhận hộ chiếu Nga từ năm 2019 ở miền đông Ukraine. Các động thái trên làm tăng thêm lo ngại rằng kịch bản này có thể xảy ra.

Động binh tới tận Kiev

Kịch bản không ai mong muốn này được cho là khó xảy ra. Nga đã liên tục phủ nhận nước này có kế hoạch đưa quân sang nước láng giềng. Một số chuyên gia nhận định Nga sẽ không động binh, không phải vì không có đủ năng lực quân sự mà bởi mục tiêu của Nga là đặt NATO vào bàn đàm phán về các nguyên tắc dàn xếp an ninh hơn là chiến tranh.

Tuy nhiên, nếu thật sự tấn công Ukraine, Nga có thể sẽ vấp phải một loạt biện pháp trả đũa trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, ngoại giao từ phương Tây. Bên cạnh đó, một cuộc chiến tổng lực với Ukraine sẽ dẫn đến thương vong lớn. Cuộc chiến khổng lồ này cũng sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực của Nga, gây ra hậu quả kinh tế và xã hội tàn khốc.

Tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường

Theo AFP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 20.2 đã điện đàm với Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine. Tuyên bố của văn phòng ông Macron đưa ra cho biết cuộc gọi là nỗ lực cuối cùng để tránh một cuộc xung đột lớn ở Ukraine. Trước đó, ông Macron cũng có cuộc điện đàm khẩn cấp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhu cầu và những cách thức khả thi nhằm lập tức xuống thang và dàn xếp về chính trị - ngoại giao.

Các cuộc gọi diễn ra trong bối cảnh căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Reuters đưa tin ông Putin đã giám sát cuộc tập trận ngày 19.2 của các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. Nhà Trắng cùng ngày cho biết nhóm phụ trách an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tin rằng Nga có thể phát động một cuộc tấn công Ukraine bất cứ lúc nào. Ông Biden sẽ triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia vào ngày 20.2 để thảo luận tình hình.

Pháp và Đức ngày 19.2 đã kêu gọi công dân nước mình rời khỏi Ukraine. Một quan chức NATO cũng cho biết liên minh này đã di dời các nhân viên ở Kiev đến thành phố Lviv, phía tây Ukraine, và Brussels (Bỉ) vì lý do an toàn. Trước đó, Mỹ và các nước khác cũng đã chuyển các nhà ngoại giao của mình đến Lviv.

Phát hiện tài liệu cho thấy lãnh đạo phương Tây từng hứa sẽ không mở rộng NATO

Tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức) ngày 19.2, Tổng thống Ukraine Zelenskiy đã kêu gọi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp để đưa ra những biện pháp đảm bảo an ninh mới cho đất nước của mình. Trong cùng hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng sự thất hứa của phương Tây về việc ủng hộ độc lập cho Ukraine sẽ dẫn đến hậu quả trên toàn cầu và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo Nga sẽ mắc sai lầm nếu tấn công Kiev.

Trong lúc đó, tình hình ở Donbass vẫn căng thẳng. Các lãnh đạo của lực lượng ly khai tuyên bố huy động toàn bộ các lực lượng và yêu cầu dân thường sơ tán đến Nga. Họ đã đặt mục tiêu sơ tán 700.000 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.