Các quan chức Ba Lan liên quan đã chậm cung cấp thông tin và giữ lại những chứng cứ then chốt về sự di chuyển của những kẻ phá hoại trên đất Ba Lan, theo tờ The Wall Street Journal dẫn lời các nhà điều tra hôm 8.1.
Giờ đây, giới điều tra hy vọng chính phủ mới ở Warsaw nhậm chức hồi tháng trước sẽ giúp làm sáng tỏ vụ tấn công trên.
Các nhà điều tra châu Âu từ lâu đã tin rằng vụ tấn công được phát động từ Ukraine thông qua Ba Lan. Song họ nói rằng việc Warsaw không hợp tác đầy đủ đã gây khó khăn cho việc xác định liệu chính phủ Ba Lan trước đây có biết đến cuộc tấn công hay không.
Nhà báo điều tra Serymour Hersh: Mỹ tấn công đường ống Nord Stream là nhắm vào Đức
Một số quan chức cấp cao châu Âu cho hay họ đang cân nhắc tiếp cận văn phòng tân Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk để giúp điều tra hành vi phá hoại lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Các đường ống Nord Stream kết nối Nga với Đức bên dưới biển Baltic bị nổ vào tháng 9.2020. Điều này làm tăng áp lực khiến Đức cùng những bên khác phải trở nên độc lập khỏi nguồn cung nhiên liệu từ Nga.
Bất kỳ suy luận nào cho rằng Ba Lan, một thành viên NATO, có thể che giấu thông tin về một cuộc tấn công vào một đồng minh đều có thể làm suy yếu niềm tin vào một liên minh đang phải đối diện một trong những thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập.
Đối với Moscow, bất kỳ hành vi nào của Ba Lan ám chỉ sự tham gia vào vụ phá hoại đều có thể khiến NATO bị coi là có hành động gây hấn.
Cần nói rõ rằng các nhà điều tra chưa đưa ra bằng chứng về việc chính phủ Ba Lan liên quan các vụ nổ và cho rằng ngay cả khi một số quan chức Ba Lan có liên quan, thì giới lãnh đạo chính trị cũng có thể không hề hay biết.
Tuy nhiên, bên điều tra cho rằng những nỗ lực của các quan chức Ba Lan nhằm cản trở cuộc điều tra ngày càng làm dấy lên nghi ngờ về vai trò và động cơ của Warsaw.
Ukraine đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan. Trong khi đó, Nga cho rằng Mỹ chịu trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Mỹ phủ nhận.
Điểm xung đột: Ukraine thiếu đạn pháo, dùng UAV; Israel khiến Mỹ thêm lo
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Tusk sa thải lãnh đạo tất cả các cơ quan tình báo, bao gồm cả những người liên quan cuộc điều tra đường ống Nord Stream.
Các công tố viên Ba Lan giám sát cuộc điều tra trong nước cho biết họ đang hợp tác với các nước khác, nhưng chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Ba Lan có liên quan. Lực lượng biên phòng và cơ quan an ninh nội địa Ba Lan từ chối bình luận.
Bình luận (0)