Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chuẩn bị rời ghế thủ tướng |
reuters |
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters vào ngày 17.11, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói Trung Quốc vẫn là một nước đóng góp quan trọng cho khoa học và công nghiệp dù các hoạt động gián điệp tại Đức và hành vi trộm cắp công nghệ của nước này gây lo ngại.
"Chúng tôi có thể học hỏi được nhiều điều từ nhau. Theo quan điểm của tôi, tách khỏi nhau hoàn toàn là không đúng và sẽ gây tổn hại cho chúng tôi", bà Merkel cho biết.
Bà Merkel, người có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, nói các nhà khoa học Trung Quốc cũng là một phần của hệ thống công bố quốc tế và họ cũng phải được đánh giá.
Thủ tướng Đức cũng thừa nhận Berlin đã phải xem xét lại một số mối quan hệ đối tác của mình trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây.
“Có thể ban đầu chúng tôi đã quá ngây thơ trong cách tiếp cận một số quan hệ đối tác. Gần đây, chúng tôi đã xem xét kỹ hơn, và nên như vậy", bà Merkel cho biết.
Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel, hai nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng nhất châu Âu, chào nhau lần cuối |
Khi nhắc đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và luật bảo mật công nghệ thông tin (CNTT) mới của Đức, Thủ tướng Merkel nói rằng các tiêu chuẩn vẫn phải được duy trì ở mức cao.
Đạo luật An ninh CNTT 2.0 mang lại cho chính phủ Đức nhiều quyền hơn trong việc kiểm tra nhà sản xuất thiết bị cho các hệ thống mạng viễn thông hiện đại, như công ty Huawei của Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Merkel cũng lưu ý rằng không nên loại trừ một công ty cụ thể nào ngay từ đầu.
Thủ tướng Đức cũng cho biết Berlin đang thảo luận liên tục với Bắc Kinh về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và bằng sáng chế, "cả về sinh viên Trung Quốc ở Đức và các doanh nghiệp Đức hoạt động tại Trung Quốc". Bà cũng kêu gọi phương Tây tiếp tục đổi mới.
Các bình luận này được đưa ra trong bối cảnh bà Merkel chuẩn bị rời ghế thủ tướng giữa cuộc cạnh tranh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây về các công nghệ quan trọng như mạng 5G và chất bán dẫn.
Vào đầu tháng 11, các quan chức EU và Mỹ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Công nghệ và Thương mại EU - Mỹ (TTC). Đây được coi là nỗ lực khơi lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm giải quyết các vấn đề công nghệ, đảm bảo nguồn cung cấp chất bán dẫn và chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Bình luận (0)