Em biết, chị lại nói, em hãy quên đi. Em cứ nhắc mãi chuyện này, có khác nào em là kẻ thua cuộc? Anh ta, bây giờ đã có vợ, sắp có con. Hôm qua, họ đi Lăng Cô với nhau, chụp rất nhiều hình. Tấm nào anh ta cũng cười thật hạnh phúc. Em xin lỗi, em có nói với chị là sẽ không vào Facebook của anh ta nữa, nhưng cuối cùng vẫn không ngăn nổi tò mò. Và khi thấy họ check in ở Lăng Cô, em tự dưng muốn chực khóc. Ba ngàn ngày bên nhau, tụi em đã cùng nhau đi qua tuổi trẻ, cùng nhau cố gắng kiếm học bổng tới Paris, mùa hè năm hai mươi mốt tuổi nắm tay nhau đi xuyên châu Âu, ngà ngật ngủ gật trên tàu điện, ngắm bầu trời đêm dưới chân tháp Eiffel, đắn đo trước một vỉ cá trong siêu thị vì không đủ tiền mua, thay vào đó cứ ăn trứng gà là hơn. Tụi em đã thực hiện với nhau rất nhiều lời hứa, nhưng lời hứa cùng nhau đi ngắm biển Lăng Cô, lại vĩnh viễn không thể thực hiện.
Ồ! Chị sẽ lại nói, em lảm nhảm nhiều quá rồi?
Ký ức ở đâu mà nhiều thế chị nhỉ?
Cứ như thể chỉ cần em chạm nhẹ vào van khóa thôi, là nó lại tuôn xối xả. Khuôn mặt anh ta, dáng hình anh ta, cách anh ta cười, bờ vai anh ta, và cả hơi ấm nữa, chúng thật sự chẳng đáng một xu đâu, nhưng sao cứ trở đi trở lại? Ồ! Chị đừng nghĩ em đang say. Gần đây, em chẳng uống chút nào cả. Em cũng bỏ thuốc rồi. Không biết đó có phải là tin vui với chị không, vì chị chẳng thích em hút thuốc, chị từng bảo, cứ như thể em đang phải gồng mình chứng tỏ mình mạnh mẽ vậy. Thuốc lá chẳng tốt chút nào, rồi thì em còn sinh con nữa chứ (sao chị lại có thể nghĩ tới những chuyện thế này nhỉ? Đôi khi em nghe chị nói, cứ nghĩ một bà cụ nào đó đang ngồi trước mặt em). Em bỏ thuốc lá, cũng chẳng phải lý do gì to tát, chỉ là đến lúc tự dưng muốn bỏ mà thôi.
Cũng như việc anh ta bỏ rơi em đấy thôi. Không dự báo, không một tín hiệu, không cuộc cãi vã. Cứ thế mà rời đi. Tụi em cùng nhau trở về trên một chuyến bay, nắm tay nhau thật lâu ngay cả trong mơ màng giấc ngủ xé vụn giữa những tầng mây, cuối cùng lại là chuyến bay để trở về chấm dứt một câu chuyện kéo dài ba ngàn ngày.
***
Tuần này bão rớt. Đâu đó mạn phía bắc đang có cơn bão lớn, vùng mây ảnh hưởng tới thành phố, khiến sáng nào trời cũng mưa. Sáng nay em dậy từ rất sớm. Thật ra đúng nghĩa là bật dậy. Đêm qua, em lại viết nhăng viết cuội trên Facebook nữa rồi. Em trách móc, em oán giận, em nguyền rủa bọn họ, em nguyền rủa tất thảy. Em cầu mong anh ta sẽ không bao giờ được hạnh phúc. Em không ngăn mình được. Em đã đóng vai an nhiên, em đóng vai bất cần, em đóng vai thiên sứ nguyện cầu anh ta hạnh phúc, em lý giải chọn lựa của anh ta, em cảm thông cho lựa chọn đó. Em làm tất cả mọi việc để chứng minh em vẫn vui, vẫn mạnh mẽ, vẫn hạnh phúc khi bắt đầu đi đoạn đường không có anh ta. Nhưng rồi cứ đến đêm, em lại là con người khác. Em cảm thấy oan ức. Em bị bỏ lại bơ vơ mà không có lời giải thích. Em cần câu trả lời. Em tự trả lời, tự đặt ra hàng trăm tình huống. Vy nói, lẽ ra từ mấy lần anh ta về nước một mình, em phải biết đặt dấu chấm hỏi. Và cả bà mẹ thực dụng của anh ta nữa. Rõ ràng, bà chưa từng thích em. Trong mắt bà, em vẫn mãi là đứa con gái mười tám tuổi ngang bướng, đạp chiếc xe sườn ngang, đang đứng ở đầu ngõ chờ con trai bà. Dù em có làm bao nhiêu việc, đi qua bao nhiêu thành phố, học cách trưởng thành, học tiết kiệm, học vun vén mái ấm gia đình, học chăm sóc một người đàn ông, học nấu món Tây món Việt, học cách mặc bộ vest sải bước chân trên giày cao gót giữa văn phòng rồi tan làm vội vã ôm vỉ trứng đi bộ cả chặng dài từ siêu thị đến tàu điện, em vẫn không thể thay đổi trong mắt bà. Vy lại bảo, gia đình vợ anh ta rất giàu có. Sau khi cưới nhau, anh ta có ngay một chức lớn trong công ty gia đình vợ. Nên việc anh ta đồng ý với lựa chọn của mẹ anh ta là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và rằng, tại sao em lại ngu ngốc đến thế khi gắn bó với một người đàn ông chưa bao giờ trưởng thành.
Giữa việc triền miên trong vùng u tối không câu trả lời với việc được quăng một câu trả lời hiển hiện rõ ràng, đầy đủ hình hài, thì thứ nào làm đau mình hơn?
Vớ vẩn thật, cứ đến đêm là em lại gào thét bằng những con chữ tự làm đau mình. Và, vô tình hay cố ý để lộ điều đó trước mắt mọi người thì cũng chẳng tốt đẹp chút nào. Em phải bật dậy để xóa status đó ngay khi em choàng tỉnh. Buổi sáng rồi, em biết em không thể hạ mình đến vậy, khóc lóc ỉ ôi như thế. Em đã bấm nút xóa. Những dòng chữ đầy lời oán hận kia, những dòng chữ vẽ nên chân dung của kẻ thất bại là em đây - nó đã tồn tại vài giờ trên Facebook.
Em thôi việc ở phòng tranh rồi, có quyền cho phép bản thân mình lười nhác. Chị đừng lo, em vẫn sống ổn, ít nhất là vài tháng tới. Số tiền dành dụm hồi còn làm việc bên Lào đủ để em sống trong vài tháng. Chị đang hỏi tại sao em lại quay về nơi này? Em đã nói dối chị, rằng em trở lại Paris, tiếp tục công việc và học. Sự thật, em đã trốn chạy, em không dám đối mặt với cuộc sống em đã từng có, cảm giác từng vỉa hè lát đá đều còn vương mùi hơi thở tuổi trẻ của tụi em. Đớn đau cứ như là thứ gây nghiện, càng cố tránh xa, lại càng khao khát đến gần?
***
Ngoài kia, trời vẫn cứ mưa.
Hôm nay trời đất lạ lùng quá, còn lạnh nữa, như hồi mình ngồi trên thuyền giữa sông, nghe tiếng gà trưa tan tác đơn côi vậy. Buổi trưa đó, mình thả tro mẹ xuống sông. Em chẳng khóc, dù rằng chị bảo, thôi đừng kìm nén nữa. Em đã giữ tro cốt của mẹ, ôm ngủ bên mình suốt mấy tháng, lại chẳng hiểu sao đến ngày, tự dưng đi cả chặng đường để mang mẹ đến sông. Vốc từng nắm tro mẹ, thả xuống mặt sông, em thấy mẹ đang ngồi giữa dòng kia, ôm guitar và hát, rồi cười với em. Em từng hứa rồi sẽ có ngày xây cho mẹ ngôi nhà thật to, thật đẹp bên dòng sông. Mẹ có thể làm vườn, chăm bầy gà, vẽ tranh, chơi đàn guitar. Đó là ước mơ của phần cuối cuộc đời mẹ. Mẹ đã cất chúng đi, chỉ vì em. Cuối cùng, em còn chưa thực hiện được thì mẹ đã đi rồi.
Chị còn nhớ không, sau ngày mẹ mất một tháng, anh ta đã đeo vào ngón tay em chiếc nhẫn cầu hôn? Không chỉ là đoạn đường tuổi trẻ, cả chặng đường về sau sẽ là có nhau. Em đã từng lấy đó làm niềm nguôi ngoai nỗi đau mất mẹ.
Em vứt nó đi rồi.
Giữa dòng sông, cùng tro cốt mẹ.
Nhưng để quên, thật không dễ chút nào.
***
Chủ của hostel này là một cặp đôi đồng tính. Họ trở về từ Myanmar và dùng hết số tiền của mấy năm dành dụm bên đó, mở hostel, chỉ để có một nơi ở lại thành phố này. Cùng nhau. Họ nấu ăn, tỉ mẩn dọn dẹp phòng ốc. Buổi tối uống trà ở phòng khách, đọc sách, nói chuyện với nhau lúc nào cũng nhẹ nhàng, dễ chịu. Em chọn căn phòng ở trên tầng cao nhất của ngôi nhà, nơi em có thể nhìn xuống đường, nhìn về phía sông. Căn phòng bài trí đơn giản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm, nến luôn thắp sáng trong góc phòng. Nếu chị nhìn thấy, hẳn chị sẽ thích. Ở đây một thời gian, tụi em đã thân nhau hơn, có thể cùng nhau làm bữa sáng, có khi uống bia với nhau trong bếp, chơi bài đêm khuya và nói vài chuyện về hội họa. Một trong hai người, đã từng là họa sĩ. Nhưng giờ thì không vẽ nữa. Họ là một cặp đôi hạnh phúc, em chắc chắn là thế, nhưng thảng hoặc nhìn vào đôi mắt Giang (tên của một trong hai người), em mơ hồ thấy hiện hữu nỗi lo sợ. Có lần, em thấy Giang đứng trong bếp, đôi vai run lên, tựa như đang khóc. Em không dám đến gần. Em thấy mình đang trôi ngược thời gian, trở lại căn bếp ngày trước, đứng sau lưng chị. Chị không quay mặt lại phía em, cứ đứng đó thái từng miếng thịt, đôi vai không giấu được cơn run rẩy. Em cứ như đứa trẻ rón rén đứng bên rìa cửa, nửa muốn bước vào, nửa muốn thoái lui. Rồi em đã chẳng làm gì cả. Trong cuộc đời chị, hẳn là lúc đó, chị đã cần ai đó nhất. Em tự hỏi, nếu ngày hôm đó, em đến bên chị, ôm lấy bờ vai chị, thì mọi chuyện có khác đi không?
Dạo này, Vy thi thoảng ghé qua, và thường lần nào cũng trong tình trạng ám đầy mùi rượu. Tóc tai bù xù, môi đỏ như máu, mắt kẻ sắc lẻm. Vy của năm mười tám, hai mươi tuổi, Vy của năm ba mươi tuổi cũng chỉ là Vy đó. Có đêm Vy ngủ lại, tụi em nói với nhau về chị mãi. Dường như đó là điểm chung duy nhất còn lại giữa em và Vy. Chị hiện hữu ở đó, trong hàng chục phiên bản khác nhau giữa câu chuyện em và Vy, đôi lúc thật buồn cười, đôi lúc lại thật kỳ bí.
Chỉ có điều, có một câu hỏi, mãi tụi em chẳng dám thốt lên cùng nhau, cũng chẳng dám tìm câu trả lời.
***
Thi thoảng, em ghé về nhà, cả buổi chiều ngồi trước sân, tha thẩn nhìn ngoại đang chăm mấy luống rau trước nhà, thắp nén nhang lên bàn hiên. Hôm nay, ngoại mặc chiếc áo dài màu tím, đeo chiếc vòng ngọc bích xanh, bảo em chụp tấm hình thật đẹp. Chẳng hiểu sao, tấm nào em cũng run tay, mờ nhòe. Em chẳng khóc, nhưng ngoại cứ nắm lấy tay em, vuốt ve, vỗ vỗ. Ngoại lẩn thẩn quá rồi, chị nhỉ? Ngoại bảo, em cứ đi đi, làm những gì em thích. Đừng lo lắng cho ngoại, ngoại chẳng muốn trở thành gánh nặng của em. Những người đàn bà trong gia đình này đều mạnh mẽ, em biết điều đó mà, việc gì phải lo lắng cho ngoại? Ngoại mỗi ngày vẫn sống tốt, chăm mấy luống rau, nấu nướng khi thích, ra chợ buổi sáng, rằm và mùng một đi chùa thắp nhang cầu bình an. Mai này, nếu ngoại mất, chỉ cần để lên bàn thờ tấm hình ngoại mặc áo dài tím, đang cười thật tươi. Và tro cốt thì hãy mang đến dòng sông của mẹ. Ngoại dự liệu chỉn chu các chi tiết cho cuộc đời mình, không dưng mà em thấy ngột ngạt, đau lòng.
Họ nói, ngôi nhà chúng ta bị nguyền rủa. Ngôi nhà chẳng có đàn ông. Ngôi nhà chỉ có những người đàn bà vin vào nhau để sống. Những người đàn bà mong manh như gió, có thể biến mất bất cứ lúc nào. Bất giác, nụ cười kia của ngoại làm em lo sợ. Trong khoảnh khắc nào đó, khi đám đông ái ngại nhìn em, khi họ tiếc rẻ cho công việc em từ bỏ, khi em trở về giữa làn sóng ra đi, em đã biện minh cho lý do mình trở về thành phố này, là vì ngoại. Giữa ngã ba sông Mê Kông vào một ngày nào đó, em thèm một bữa cơm nhà, em thèm cái nắm tay xương xẩu, thèm chạm vào lớp da thịt nhăn nheo, mát rượi của người thân. Nhưng rồi, hóa ra hèn nhát quá chị à, bởi chưa có đêm nào em dám ngủ ở nhà. Em sợ thấy mẹ trong mơ, thấy mẹ đang đâu đó trong từng centimet trong nhà. Mẹ đang cười, mẹ đang làm bếp, mẹ đang tỉ mẩn làm cho em món bánh em thích. Mẹ đang ngồi nói chuyện với ngoại trước sân nhà. Mẹ đang nói tới ngày cưới của chị, tên chị nghe lao xao, mơ hồ, cứ như chưa từng tồn tại.
Chị có thèm một bữa cơm nhà, một cái nắm tay của da thịt mát rượi?
Ký ức dạo này cứ trở lại nhiều lần, có lúc em cứ ở mãi trong câu chuyện của chúng mình hồi ngồi trên tuk tuk ở Campuchia, rồi buổi trưa chúng mình cứ ngồi vuốt lông con mèo vằn bị mù mắt trong mái chùa ở Bangkok, chị còn nhớ không? Bao nhiêu điều ấy, cuối cùng cũng không giữ được chị với đời sống này?
***
Hôm nay, em sẽ hẹn hò. Rồi có khi em sẽ làm tình.
Chị đừng cười! Tự dưng thôi, em thèm khát cảm giác thức dậy, mở mắt ra thấy có một người nằm bên cạnh. Quen hay lạ, yêu hay không yêu, đôi khi cũng chẳng mang ý nghĩa gì mấy. Nghĩ vậy khiến em bồn chồn. Em đi tới đi lui. Em nhắn một tin nhắn, không chờ câu trả lời, vì em biết người đàn ông bên kia điện thoại sẽ chẳng chối từ. Em quen gã hồi mấy tháng trước, khi còn làm việc ở phòng tranh. Chẳng biết bằng cách nào, gã tìm được Facebook của em, có đêm bấm like tất cả những hình em post. Gã khen nụ cười của em, khen cách em phát âm tiếng Pháp rất gợi tình.
Em đi tới đi lui, bồn chồn. Em nhìn ra cửa sổ. Em chọn màu son đỏ đậm của Bobbi Brown. Em sơn móng tay màu đỏ tươi. Em nhìn mình trong gương. Người đàn bà ba mươi, mái tóc lam nham mở mắt nhìn em. Từ sau lần em cạo trọc đến giờ, tóc vẫn chưa dài được mấy. Em nhớ đến hộp quà của chị. Hồi mấy năm trước, sau ngày chị mất, nó được gửi theo đường bưu điện đến chỗ em, nhưng em vẫn chưa từng mở ra. Giờ thì em biết, chị vẫn luôn nhớ rằng em đã từng mong ước có một chiếc váy lụa màu xanh cobalt được dệt và thêu bằng tay. Em, hóa ra cũng từng có thời kỳ mộng mơ đến vậy.
Em đã tô son đỏ. Em đã sơn móng tay. Em mặc chiếc váy lụa xanh thêu hình bông hoa đỏ. Em dùng mùi nước hoa nồng gắt. Em đứng bên cửa sổ, em trở lại phía giường. Em cứ ngồi mãi trên giường, nhìn bóng mình trong gương. Tiếng Giang khóc ở phòng bên cạnh làm em chùn chân. Tiếng khóc trầm đục, oan ức, trơ trọi xuyên qua khoảng không đặc quánh. Khóc được, có phải là sẽ nhẹ nhõm đôi phần? Giữa kẻ ở lại và người ra đi, ai sẽ đau lòng hơn ai? Em cứ nhớ mãi dáng hình K. của buổi chiều lầm lũi, dúi vào tay em bức tranh như món quà tặng thay lời từ biệt. “Tôi yêu một người đàn ông nhưng vẫn chưa dứt ra khỏi được một người phụ nữ”, em không nghĩ đó là một lời giải thích. Em đã đứng nhìn dáng K. thật lâu, trước khi khuất dưới đường. Cả Giang, cả em, đều đã không làm gì. Từ buổi trưa kìm nén tiếng khóc trong căn bếp ấy, là Giang đã dự liệu cho ngày này?
Em đã treo bức tranh K. tặng lên tường, cạnh chỗ em nằm. Mở mắt ra là thấy em trong đó. Trong tranh, em mặc chiếc váy dài, rộng, mái tóc ngắn cũn, đứng co một chân, đang lui hui làm bếp. Dáng điệu em trong bức tranh, trông vui nhộn như đứa trẻ vậy.
Em, cũng từng có lúc vui vẻ đến vậy sao?
Em cứ ngồi mãi đây, nghe tiếng kim đồng hồ tích tắc, tích tắc. Gã trai kia, hẳn đang len qua những chiếc bàn san sát trong nhà hàng hạng sang, với nhạc Pháp dìu dặt. Gã sẽ cẩn trọng chọn chỗ ngồi yên tĩnh, trên bàn đặt sẵn một bó hoa. Phép lịch sự, gã sẽ chờ em mười lăm phút, ba mươi phút, và sẵn sàng chờ cả tiếng đồng hồ. Em nghe rõ mồn một tiếng kim gõ nhích đều đặn, cả tiếng con muỗi lạc loài bay vo ve trong phòng không tìm thấy lối ra. Cuộc gọi trên điện thoại ở chế độ im lặng cứ nhấp nháy sáng. Em không bấm nút tắt. Em không bật nút nghe. Phòng bên cạnh, tiếng khóc tựa như chưa từng tồn tại. Từ cửa sổ căn phòng đó, nhìn xuống đường, những ngày về sau có khi sẽ nhìn thấy K. thảng hoặc vội lướt qua khẽ khàng. Còn ở cửa sổ căn phòng này, mỗi sáng, mỗi khuya, đều có thể nhìn thấy một dáng hình quen thuộc của ba ngàn ngày đã qua.
Em cứ ngồi mãi trên giường. Người đàn bà trong gương nhìn em. Thân hình xuề xòa, sưng phù trở nên dị hợm trong chiếc váy màu xanh. Những ngón tay sơn đỏ như máu. Đôi môi lấm lem vết son. Bông hoa đỏ trở nên mềm nhũn, chảy dài, chảy dài, tàn tạ, rũ xuống chân, chảy tràn khắp căn phòng.
Màu đỏ phủ tràn.
Màu đỏ của máu.
Máu đang từ giữa thân em lan ra khắp phòng.
Mấy tháng trước, bác sĩ nói em không còn nhiều ngày để sống nữa.
Bình luận (0)