Bà ngoại dắt cháu bán vé số ngay trung tâm Sài Gòn cho giấc mơ đi học

03/05/2018 13:26 GMT+7

Mỗi buổi sáng, người dân qua lại gần giao lộ Trần Quốc Thảo - Trần Quốc Toản (quận 3, TP.HCM) đều quen thuộc với hình ảnh bà Tư dắt theo đứa cháu ngoại từ Bình Chánh sang ngồi bán vé số ở góc đường.

Gian truân cuộc đời
Bà Tư tên thật là Tô Thị Hồng Xứng (64 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM). Hằng ngày, bà Tư cùng người chồng hơn 70 tuổi bươn chải bằng nghề bán vé số để kiếm sống và nuôi đứa cháu ngoại là Huỳnh Hoàng Thiện (9 tuổi).
VIDEO: Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại đến trường

Bà Tư cho biết, bà sinh được 8 người con nhưng chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo nên mất dần, đến giờ chỉ còn 2 con trai và 1 con gái. Người con sau khi có chồng, sinh ra được Thiện rồi vợ chồng ly dị. Chị đi thêm bước nữa và bỏ lại Thiện cho vợ chồng bà nuôi.
Theo lời bà Tư, ban đầu vợ chồng bà bán vé số ở Sóc Trăng nhưng ngày càng ít người mua nên vợ chồng bà quyết định dắt Thiện lên Sài Gòn với mong muốn bán được nhiều vé số hơn, có đủ tiền lo cho tương lai đứa cháu nhỏ.
Chồng bà bán ở chợ Phú Lạc và dọc quốc lộ 50 (H.Bình Chánh), còn hai bà cháu bắt xe buýt sang quận 3. May mắn thay, hai bà cháu được nhiều người thương cảm nên có nhiều khách ghé mua, nhất là khách quen đến ủng hộ vé số.
Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại được đến trường1
Thiện ăn sáng với bánh hỏi không chấm nước mắm Ảnh: Phan Định
Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại được đến trường2
Cậu bé chơi đùa với món đồ chơi duy nhất của mình Ảnh: Phan Định
Ám ảnh bị cướp vé số
Bà Tư kể, cách đây 3 năm, khi còn bán vé số tại Sóc Trăng, bà bị một người thanh niên chạy xe đến giả vờ mua rồi giật mất một xấp vé số 80 tờ. Cuộc sống của vợ chồng già đã khó khăn nay còn khổ cực trăm bề.
Khi lên Sài Gòn bán vé số, chồng bà là ông Thạch Kía (78 tuổi) cũng từng bị giật vé số và bị gạt đến 4, 5 lần. Ông Kía nhớ nhất là vụ ở chùa Thiên Trì, một người phụ nữ mặc đồ sư cô, kêu vào mua 10 vé rồi trả tiền đàng hoàng. Sau đó, người phụ nữ ta lân la hỏi ông còn bao nhiêu vé số rồi ngỏ ý giới thiệu cho một người đàn ông mới trúng 8 vé đặc biệt ở gần đó mua hết.
Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại được đến trường3
Thiện mắc bệnh từ nhỏ nên bà Tư càng thương yêu cậu bé hơn Ảnh: Phan Định
"Lúc đó tôi cũng tin vào lòng tốt của người phụ nữ này nên đưa hết hơn 70 tờ vé còn lại. Vừa cầm xấp vé số trên tay, người phụ nữ nhảy lên xe chạy mất. Bất ngờ, tôi chỉ đứng câm lặng nhìn theo mà không biết làm gì hơn”, ông Kía tâm sự.
Những tờ vé số giả được ông bà lưu lại Ảnh: Phan Định
Không những bị gạt, ông Kía và bà Tư còn bị người ta đổi vé số giả. Tờ vé số giống y như thật, mắt thường không thể phân biệt được. Tới khi mang lên đại lý ông bà mới biết đó là vé giả, rồi lại ấm ức đi về. Những ngày như vậy, ông bà nuốt cơm không trôi, coi như mất trắng mấy ngày công ròng rã nắng, mưa đi bán.
Vợ chồng bà Tư nhớ lại những câu chuyện bị giật vé số Ảnh: Phan Định
Ước mong cho cháu được đến trường
Ngồi ở vỉa hè dưới trời nắng nóng gần 40oC, bà Tư vừa lấy khăn lau mồ hôi cho đứa cháu ngoại vừa kể rằng, lúc được 8 tháng tuổi, Thiện bị xuất huyết ở tai. Khi đi bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán do bị tổn thương não. Hiện tại, khi nắng lên Thiện hay bị nhức đầu, la hét, học hành cũng bị chậm hơn so với các bạn.
"Nhìn nó bụ bẫm vậy nhưng cứ ăn thịt là lại ói ra. Vậy nên bữa ăn của nó đơn giản lắm, có khi chỉ là hộp bánh ướt chấm với nước mắm hoặc hộp cơm nóng rắc muối Tây Ninh. Dù bệnh tật như thế nhưng nó hiếu thảo và thương ông bà ngoại lắm. Lúc nào ông bà đi bán vé số, nó cũng đi theo rồi mời mọc mọi người mua giúp", bà Tư kể.
Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại được đến trường4
Hai bà cháu hay ngồi tâm tình mỗi khi vắng khách Ảnh: Phan Định
Bà cụ bán vé số và mong ước cho cháu ngoại được đến trường5
Bà Tư luôn ước mong Thiện được đi học để biết chữ, sau này không còn phải đi bán vé số nữa Ảnh: Phan Định
Theo lời bà Tư, tới bây giờ đã 9 tuổi nhưng Thiện vẫn chưa được đi học vì không có giấy khai sinh, bà Tư lại không có giấy tờ. Mỗi lần nghe Thiện thủ thỉ rằng thích đi học để có bạn, có đồ chơi là bà Tư lại buồn vì không lo được cho cháu. Do đó, vừa rồi vợ chồng bà mới đến ủy ban xã trình bày hoàn cảnh để vào đầu năm học sau Thiện được vào lớp 1. 
Ngồi cùng bà ngoại bán vé số nhưng chốc chốc Thiện lại đứng lên đi vòng vòng "tránh nắng" hoặc tìm chỗ chơi một mình. “Không biết sau này khi vợ chồng tôi chết, ai sẽ lo cho nó. Bây giờ, tôi chỉ ước mong nó được đi học cho nên người, để sau này nó có thể tự lo cho tương lai của mình”, bà Tư thở dài khi nghĩ về tương lai của đứa cháu nhỏ.
Căn phòng với nhiều màu sắc sặc sỡ của “giấy dán tường” lấy từ báo Ảnh: Phan Định
 
Những tờ vé số giả được ông bà lưu lại Ảnh: Phan Định
Hai vợ chồng bà Tư nhớ lại những câu chuyện bị giật vé số Ảnh: Phan Định
Theo chân bà Tư về trọ gần bến xe Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM, chúng tôi bước vào căn phòng nằm trong một con hẻm nhỏ. Nhà trọ của ba người chỉ để vừa một chiếc giường, chiếc tủ quần áo cùng vài món đồ gia dụng trong nhà. Bức tường được dán chi chít giấy báo sặc sỡ. Bà Tư cho biết đồ đạc có giá trị trong nhà như: tủ lạnh, ti vi, giường,... đều là do những người trúng vé số mua tặng.
Hằng ngày, vợ chồng bà Tư cùng Thiện đi bán vé số từ sáng sớm, tới khi vé vừa hết là khoảng 4 - 5 giờ chiều thì về cơm nước rồi ngủ luôn để lấy sức hôm sau đi bán tiếp.
Chị Nguyễn Thị Chim, chủ nhà trọ cho biết: “Gia đình bà Tư sống ở đây cũng đã hơn 4 năm rồi. Mỗi ngày khi đi bán vé số về, bà Tư sẽ đóng 30.000 đồng tiền nhà, còn tiền điện nước thì cuối tháng tính lại, thiếu đủ bao nhiêu bà Tư đóng thêm. Hai vợ chồng lớn tuổi đi bán vé số, lại nuôi thêm đứa cháu nhỏ nên xung quanh đây ai cũng thương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.