Hôm nay 18.4, Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) đã tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao. Đây là hoạt động được tổ chức để kỷ niệm Ngày khuyết tật Việt Nam.
Một học sinh khiếm thính thi nhảy bao bố |
quý hiên |
Trong ngày hội, nhà trường đã tổ chức vòng thi chung kết các cuộc thi kéo co và nhảy bao bố, với sự tham gia của học sinh khuyết tật (đang học hòa nhập tại trường) và học sinh không khuyết tật.
Đây là một hoạt động ngoại khóa đầu tiên có sự tham gia của học sinh toàn trường, sau một thời gian dài chủ yếu học online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giáo viên dặn dò một học sinh khiếm thính trước khi em dự thi |
quý hiên |
Trước khi diễn ra vòng thi chung kết các môn thể thao nói trên, học sinh toàn trường (trong đó hơn 60% là học sinh khuyết tật, diện khiếm thính) đã được giao lưu với 3 vận động viên đội tuyển wushu Việt Nam, gồm: Phạm Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Lệ Chi (đều là vô địch giải trẻ wushu thế giới 2018 tại Brazin), Nguyễn Thị Minh Tâm (vô địch giải wushu quốc gia 2022).
Sau đó, các em được xem các anh chị vận động viên wushu biểu diễn thái cực quyền.
Các ngôi sao wushu (áo khoác đỏ) cổ vũ các vận động viên |
quý hiên |
Tại cuộc giao lưu, vận động viên Phạm Nguyễn Hoài Nam giới thiệu sơ qua về thành tích của mình và 2 nữ đồng nghiệp. “Các anh, chị đến đây là muốn truyền cảm hứng cho các em trong việc rèn luyện thể thao hàng ngày, để có được thể chất khỏe khoắn”, vận động viên Hoài Nam nói.
Tiếp theo, 3 vận động viên đã biểu diễn bài thái cực quyền dạng thức đơn giản, nhưng đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với các em học sinh. Chỉ trong vài ba phút biểu diễn, các anh chị đã liên tục nhận được lời tán thưởng, xuýt xoa từ các em nhỏ.
Được biết, để biểu diễn một tiết mục ngắn ngủi đó, các vận động viên đã phải “mượn” hành lang lớp học để khởi động trong khoảng nửa tiếng.
Ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, cảm ơn các ngôi sao wushu đã đến giao lưu, biểu diễn cho học sinh của trường |
quý hiên |
Theo ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, nhà trường là một mô hình giáo dục hòa nhập, học sinh khiếm thính học chung với học sinh bình thường.
Những em khiếm thính nặng thì học văn hóa ở các lớp riêng biệt, nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động ngoại khóa… thì học sinh khiếm thính với học sinh không khiếm thính cùng tham gia chung.
Các ngôi sao wushu mượn hành lang của trường để khởi động trước khi biểu diễn |
quý hiên |
“Chúng tôi đã thực sự tạo được môi trường mà các học sinh khiếm thính luôn được tôn trọng, được bình đẳng, được yêu thương, được thể hiện mình và hòa nhập tốt”, ông Hoan nói.
Sau tiết mục biểu diễn, Phạm Nguyễn Hoài Nam đại diện nhóm vận động viên chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên: “Chúng em rất vui và vinh hạnh vì được tham gia vào ngày hội của các em học sinh khuyết tật, vì cảm thấy dường như mình đã truyền được chút năng lượng tích cực tới các em học sinh, giúp các em phấn chấn, yêu thể thao hơn, tự tin để hướng tới các điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Phạm Nguyễn Hoài Nam còn tâm sự thêm, trong gia đình cũng có người thân bị khuyết tật nên khi đến đây anh có sự đồng cảm sâu sắc với các em. “Những người khuyết tật thường rất có nghị lực, vì thế nhìn vào họ mình cũng có thêm động lực phấn đấu”, anh Nam nói.
Bình luận (0)