Bà Pelosi nhận được sự cổ vũ của nhân viên sau phát biểu ngày 17.11 |
chụp màn hình new york times |
Bà Nancy Pelosi chuẩn bị khép lại sự nghiệp lãnh đạo lâu dài tại quốc hội Mỹ, trong đó bà là người phụ nữ duy nhất từng ngồi vào ghế chủ tịch hạ viện, cho thấy khả năng thông qua các đạo luật quan trọng, đoàn kết các thành viên đảng Dân chủ và thách thức những người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
Ngày 17.11, bà Pelosi, chính trị gia 82 tuổi đến từ bang California, thông báo bà sẽ không tiếp tục theo đuổi vai trò lãnh đạo ở hạ viện Mỹ dù vẫn giữ chức hạ nghị sĩ đại diện cho San Francisco (thuộc bang California) như bà đã làm từ năm 1987. Thông báo được đưa ra sau khi đảng Dân chủ của bà để mất quyền kiểm soát hạ viện vào tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tuần trước.
Chính trị gia quyền lực
Trong suốt 2 thập niên dẫn dắt đảng Dân chủ tại hạ viện với hai nhiệm kỳ chủ tịch hạ viện, bà Pelosi đã chứng tỏ bà không chỉ là một nhà lãnh đạo bền bỉ mà còn là một nhà lập pháp hiệu quả, ngay cả khi bà bị bởi các đảng viên Cộng hòa, bao gồm cựu Tổng thống Donald Trump, chỉ trích bằng những lời lẽ khó nghe nhất, theo Reuters.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé toạc bản chép bài phát biểu thông điệp liên bang của Tổng thống Trump năm 2020 |
Nguồn: AFP |
Bà là người chủ trì trong hai lần hạ viện luận tội ông Trump - mặc dù cả hai lần ông đều được tha bổng tại thượng viện - và cảnh báo về mối đe dọa mà ông gây ra cho nền dân chủ Mỹ. Vào năm 2020, bà Pelosi đã công khai xé bản in bài diễn văn "Thông điệp Liên bang" cuối cùng của ông Trump khi bà ngồi sau ông trong hội trường hạ viện.
Khoảnh khắc bà Pelosi xé bản in bài diễn văn của ông Trump vào ngày 4.2.2020 |
reuters |
Bà đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nỗ lực lập pháp của các tổng thống đảng Dân chủ - Barack Obama và Joe Biden - và đôi khi ngăn cản chương trình nghị sự của các tổng thống đảng Cộng hòa - George W. Bush và Donald Trump.
Với vai trò chủ tịch hạ viện, người đứng thứ hai trong danh sách kế vị tổng thống Mỹ, bà Pelosi là nữ quan chức dân cử có cấp bậc cao nhất và quyền lực nhất trong lịch sử Mỹ trước khi bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống vào tháng 1.2021.
Bà Pelosi cũng ghi dấu ấn của mình trong chính sách đối ngoại Mỹ, từng đi đến các điểm nóng bao gồm Ukraine, Iraq và Afghanistan. Vào tháng 8, bà đã khiến Trung Quốc nổi giận khi trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ trong 25 năm tới thăm Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Những thành công của bà đã dẫn đến việc bà bị phe bảo thủ chỉ trích suốt nhiều năm. Khi những người ủng hộ ông Trump cố gắng lật ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 bằng cách xông vào Điện Capitol (trụ sở quốc hội Mỹ) vào ngày 6.1.2021, họ hô vang "Chúng tôi muốn bắt Nancy" và cướp phá văn phòng của bà.
Trong đoạn video được quay khi vụ bạo loạn xảy ra và được CNN đăng tải, có thể nghe thấy bà Pelosi nói về ông Trump: "Tôi hy vọng ông ta sẽ đến... Tôi sẽ đấm ông ta một phát và tôi sẽ đi tù, nhưng tôi sẽ rất vui".
Một kẻ tấn công đã liên tục nói "Nancy ở đâu" khi ông ta đột nhập vào nhà bà ở San Francisco vào ngày 28.10 và dùng búa tấn công người chồng 82 tuổi của bà, Paul Pelosi. Ông Pelosi dự kiến sắp bình phục hoàn toàn sau chấn thương hộp sọ.
Bà Pelosi và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc hồi tháng 8 |
getty |
Bảy đời tổng thống
Mặc dù bị các đảng viên Cộng hòa coi là chính trị gia theo chủ nghĩa tự do ở Bờ Tây, bà Pelosi lần đầu học về chính trị cách đây 60 năm ở Bờ Đông với tư cách là con gái của nghị sĩ, thị trưởng thành phố Baltimore Thomas "Tommy" D'Alesandro. Anh trai của bà Thomas D'Alesandro III cũng từng là thị trưởng Baltimore.
Bà Pelosi đã từng bước trở thành nhân vật nổi bật ở thủ đô Mỹ với sự nghiệp trải dài qua 7 đời tổng thống. Bà lần đầu ngồi ghế chủ tịch hạ viện trong giai đoạn 2007-2011, và quay lại vị trí này vào năm 2019 sau khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.
Trong nhiệm kỳ chủ tịch viện đầu tiên, bà Pelosi từng gọi cựu tổng thống Bush "con" là "một kẻ thất bại hoàn toàn" và bất đồng với ông trong các chính sách về chiến tranh cũng như nỗ lực tư nhân hóa chương trình hưu trí An sinh xã hội. Song bà đã làm việc với ông để thông qua một gói kích thích tài khóa và các luật khác.
Dưới thời cựu tổng thống Obama, bà không chỉ mở đường cho hạ viện thông qua Obamacare mà còn có luật cải cách ngân hàng Dodd-Frank và gói kích thích kinh tế trị giá 840 tỉ USD.
"Chăm sóc sức khỏe dưới thời Tổng thống Obama đã trở thành vấn đề lớn của chúng tôi và đó sẽ là việc lớn nhất mà tôi từng làm tại quốc hội", bà Pelosi nói với một nhóm nhỏ các phóng viên sau khi công bố quyết định của mình, đề cập đến Đạo luật Chăm sóc y tế với Chi phí phải chăng năm 2010, hay còn được gọi là "Obamacare".
Bà Pelosi có 2 nhiệm kỳ cầm búa chủ tịch hạ viện |
chụp màn hình new york times |
Thế đa số của đảng Dân chủ ở hạ viện đã bị suy yếu sau cuộc bầu cử năm 2020, nhưng bà Pelosi đã lãnh đạo đảng này thông qua phần lớn chương trình lập pháp của Tổng thống Biden, bao gồm dự luật giá thuốc và biến đổi khí hậu trị giá 430 tỉ USD, dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỉ USD và dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỉ USD.
Với đa số tại Hạ viện, đảng Cộng hòa cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Biden |
Trong một tuyên bố ngày 17.11 sau thông báo của bà Pelosi, ông Biden đã gọi bà là "chủ tịch hạ viện có ảnh hưởng nhất trong lịch sử chúng ta". Giờ đây, sau 35 năm hoạt động ở Đồi Capitol, bà Pelosi muốn những người trẻ hơn dẫn dắt đảng Dân chủ. Theo các dự đoán, ba hạ nghị sĩ đang ở độ tuổi 40-50 có thể sẽ trở thành những lãnh đạo mới của đảng này tại hạ viện.
"Một ngày mới đang ló rạng ở chân trời. Và tôi mong chờ, luôn mong chờ câu chuyện vẫn chưa được mở ra của đất nước chúng ta, một câu chuyện về ánh sáng và tình yêu, về lòng yêu nước và sự tiến bộ, về việc nhiều người trở thành một, và luôn là một sứ mệnh còn dang dở để biến những giấc mơ của ngày hôm nay thành hiện thực của ngày mai", bà Pelosi nói trong bài phát biểu ở hội trường hạ viện Mỹ hôm 17.11.
Bình luận (0)