PGS - TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết đã phát hiện việc sử dụng vôi bột xây dựng tùy tiện để tẩy trắng nội tạng động vật.
Ngày 19.2, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo ATTP năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.
Năm 2018, theo báo cáo, Ban Quản lý ATTP đã thanh, kiểm tra 3.967 cơ sở, phát hiện 764 cơ sở vi phạm (gần 20%), ban hành 694 quyết định xử phạt với số tiền hơn 7,4 tỉ đồng.
Trả lời PV Thanh Niên, PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết công tác thanh, kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên liên tục, cả định kỳ và đột xuất, cả theo kế hoạch và bất ngờ.
“Hiện nay, hệ thống thanh tra được tăng cường hoạt động bao gồm hệ thống các đoàn liên ngành của quận huyện và các đội quản lý ATTP của Ban được bố trí về tận quận huyện để phối hợp quản lý địa bàn (phân cấp quận huyện thanh kiểm tra các hộ kinh doanh cá thể, ban chịu trách nhiệm thanh, kiểm tra các doanh nghiệp và giám sát chung). Đây thật sự là một thách thức vì số đối tượng thanh, kiểm tra của TP.HCM là cao nhất cả nước”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói.
Sau một tháng theo dõi, lúc 3 giờ sáng 19.1 vừa qua, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh sơ chế và mua bán phụ phẩm bò của bà Nguyễn Thị Xuân (224 Nguyễn Thị Kiều, P.Hiệp Thành, Q.12) chế biến phụ phẩm bò bằng... vôi xây dựng ẢNH: DUY TÍNH
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm lãnh đạo Ban và lãnh đạo phòng thanh tra cũng có kế hoạch đi kiểm tra công tác thanh tra trên địa bàn. Vừa qua, thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra đợt Tết Kỷ Hợi 2019, qua đi thực tế kiểm tra một số cơ sở, bà nhận định tại đa số doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đã có ý thức hơn, tình hình vi phạm có cải thiện và bớt tình trạng chây ì, chống đối hay “bỏ của chạy lấy người”. Nhất là các kho lạnh đã bớt việc tồn trữ các mặt hàng thịt kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên đã có rất nhiều tiến bộ. Nhìn chung, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được bảo đảm, điều kiện vệ sinh được cải thiện.
Tuy nhiên với mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn phát hiện nhiều vi phạm: cố tình chuyên chở thịt heo kém chất lượng, có biểu hiện lở mồm long móng trà trộn vào các chợ đầu mối. Thời gian cận Tết, các đội quản lý ATTP ở các chợ đầu mối đã kịp thời phát hiện và quyết liệt ngăn chặn nhiều vụ việc, tiêu huỷ và xử phạt, đồng thời phối hợp thú y để truy nguồn gốc, cảnh báo dịch bệnh.
“Trong việc chế biến thực phẩm tươi sống, đã phát hiện việc sử dụng vôi bột xây dựng tùy tiện để tẩy trắng nội tạng. Điều này chứng tỏ một số người hành nghề vẫn hám lợi, vi phạm. Nhất là khi thịt heo có khuynh hướng tăng giá mà lại thêm nguy cơ dịch bệnh, cũng như thị hiếu người tiêu dùng vẫn thích ăn nội tạng động vật có bề ngoài bắt mắt, trắng giòn... ”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Bên cạnh đó, tình trạng các chợ tạm, buôn bán lòng lề đường trái phép vẫn diễn ra phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết hiệu quả hơn giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, mức độ xử lý vi phạm ATTP năm nay là khá nghiêm khắc theo Nghị định 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm chính chính về ATTP. Trung bình hàng triệu tới hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, Ban còn công khai cơ sở vi phạm bị xử lý nên cũng thêm tính răn đe.
Trước đó, sau một tháng theo dõi, lúc 3 giờ sáng 19.1, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, bất ngờ kiểm tra hộ kinh doanh sơ chế và mua bán phụ phẩm bò của bà Nguyễn Thị Xuân (224 Nguyễn Thị Kiều, P.Hiệp Thành, Q.12).
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện 3 thùng nhựa lớn đựng lá sách bò bốc mùi được ngâm trong nước trắng đục, bên cạnh đó có một máy trộn bê tông loại nhỏ được cắm điện sẵn. Kiểm tra tủ đông, đoàn phát hiện số lượng lớn phổi, gan bò... chảy dịch, bốc mùi hôi.
Kiểm tra tại cơ sở này, đoàn kiểm tra phát hiện bà Nguyễn Thị Xuân dùng vôi xây dựng để tẩy trắng các món khoái khẩu từ phụ phẩm bò.
Điều đáng nói, ngoài số vôi đã pha loãng để tẩy trắng phụ phẩm bò, tại cơ sở bà Xuân còn chứa 10 bao vôi xây dựng, mỗi bao nặng 8 kg.
Về vụ việc "rùng rợn" này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho hay Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đang tiếp tục xử lý vi phạm theo quy định.
Khó khăn trong xử lý vi phạm ATTP
Theo bác sĩ Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý ATTP TP.HCM, hiện nay các thủ tục hành chính trong công tác xử lý, tiêu hủy hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo an toàn còn phức tạp, mất nhiều thời gian, tạo kẽ hở cho các đối tượng chây ì, gian lận, bỏ trốn. Thứ đến là bất cập trong xử lý vi phạm với các mặt hàng nông sản tươi sống: đòi hỏi kết quả kiểm nghiệm, chi phí lưu kho, chi phí xử lý tiêu hủy khi sản phẩm không đạt mà không xác định được chủ hàng hoặc chủ hàng bỏ trốn. Quy trình xử lý phức tạp không theo kịp thực tế, gây mất sức cho đội ngũ quản lý và tạo tâm lý cầu an, né tránh.
Bình luận (0)