Bà Phạm Khánh Phong Lan: Thực phẩm sạch có khả năng truy xuất nguồn gốc còn thấp

03/12/2022 10:54 GMT+7

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, tỷ trọng thực phẩm sạch có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng TP.HCM.

Ngày 3.12, tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và Sở NN-PTNT Lâm Đồng tổ chức Hội nghị sơ kết công tác ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và 15 tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Thực phẩm an toàn cho TP.HCM ngày càng cao

Phát biểu tại hội nghị, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết với sự phối hợp này, thời gian qua tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn (chỉ tính các chuỗi thực phẩm an toàn và các sản phẩm đạt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cung cấp cho người dân TP về số lượng và chất lượng đạt tỷ lệ cao.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội nghị

THIÊN CHƯƠNG

Cụ thể, sản phẩm thịt đạt sản lượng 321.850 tấn/năm (chiếm tỷ lệ 97,53% nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thịt của người dân TP). Sản phẩm trứng gia cầm đạt sản lượng hơn. 534 triệu quả/năm (chiếm tỷ lệ 59,33%). Sản phẩm rau, củ, quả đạt sản lượng 272.102 tấn/năm (chiếm tỷ lệ 15,11%). Sản phẩm thủy sản đạt sản lượng 25.470 tấn/năm (chiếm tỷ lệ 5,66%). Việc gia tăng thực phẩm sạch thì sẽ giảm bớt thực phẩm mất an toàn.

Theo PGS-TS Phong Lan, mặc dù chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa ổn định. Tỷ trọng thực phẩm nông lâm thủy sản có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng của TP.

Bên cạnh đó, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện trong thời gian qua (sản phẩm không đạt VietGAP nhưng lại dán nhãn VietGAP, tình trạng phát hiện mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm) đã gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Mua thực phẩm sạch, giá hợp lý

Cũng theo PGS-TS Phong Lan, trong vấn đề xây dựng thực phẩm sạch thì việc quan trọng là đảm bảo đầu ra cho nông dân và doanh nghiệp tham gia, đó cũng là việc khó khăn.

“TP.HCM yêu cầu hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, căn tin dành cho học sinh từ mầm non đến trung học phải lấy nguồn thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phải có tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn chứ không phải đơn thuần là thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, chứng minh bằng hoá đơn theo luật. Với hệ thống nhà hàng, khách sạch phục vụ du lịch cũng vậy. Còn siêu thị cũng phải ghi rõ ràng xuất xứ VietGAP hay không để người tiêu dùng lựa chọn”, PGS-TS Phong Lan nói.

Với doanh nghiệp hiện đại, PGS-TS Phong Lan cho rằng cần duy trì hệ thống quản lý chất lượng tại hệ thống siêu thị để đảm bảo chất lượng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Quan trọng là tuyên truyền cho người dân biết được doanh nghiệp có thực phẩm sạch và có thói quen lựa chọn thực phẩm sạch để sử dụng đảm bảo sức khỏe.

“Vẫn biết thực phẩm trong siêu thị sẽ đắt hơn chợ truyền thống, nhưng nếu lấy sức khỏe làm đầu thì 1 đồng tiết kiệm hôm nay nếu lỡ mua thực phẩm không an toàn thì sẽ phải trả giá rất nhiều trong tương lai”, PGS-TS Phong Lan chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở NN-PTNT các tỉnh cam kết cung cấp thực phẩm an toàn cho TP.HCM. Tuy nhiên, cũng như TP.HCM, các tỉnh đang đối mặt khó khăn quản lý với chợ vỉa hè, chợ tạm nổi lên nhiều sau dịch nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Do đó, quan trọng vẫn là ý thức người dân khi tiêu thụ sản phẩm.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM ký kết phối hợp đảm thực phẩm an toàn cho người dân TP.HCM với 15 Sở NN-PTNT, gồm: Bà Rịa - Vùng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long. Việc ký kết góp phần khẳng định mục tiêu xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa các tỉnh và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác…) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Trong việc phối hợp, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đặt ra 4 tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân TP cũng như hiệu quả quản lý: Tăng cường thanh kiểm tra; đảm bảo thực phẩm an toàn ít để xảy ra ngộ độc; kiểm nghiệm thực phẩm; tăng số lượng thực phẩm sạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.